Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







NGÀY XUÂN
ĐỌC
THƠ XUÂN ĐƯỜNG TỐNG



X uân với thi nhân dường như có duyên nợ từ xưa. Không một nhà thơ nào lại không có ít nhất vài ba bài thơ xuân đắc ý. Ấy là vì cảnh xuân, tình xuân, sắc xuân, hương xuân rất dễ hòa hợp với lòng người khiến cho ai nấy cảm thấy mình như lớn lên, như trẻ ra và lòng chứa chan hy vọng. Các nhà thơ Trung Hoa đã không tiếc lời ca mgợi cảnh sắc mùa xuân với muôn tía nghìn hồng. Nhà thơ Chu Hy đời Tống đã khéo vẽ nên một bức tranh xuân linh động :

Bến Tứ trời quang dạo gót chân,
Cảnh nào là cảnh chẳng thanh tân.
Gió xuân đã để người xem mặt,
Muôn tía nghìn hồng một sắc xuân.


(Xuân Nhật – Tùng Vân dịch)

Nói đến xuân là nói đến trăng, xuân thiếu trăng thì xuân kém đẹp mà trăng thiếu xuân cũng giảm đi cái vẻ nõn nường. Nhà thơ Trương Nhược Hư đời Đường đã tả cảnh trăng xuân trên sông thật là kỳ thú :

Liền mặt biển, sông xuân nước rẫy,
Trên làn khơi, trào đẩy trăng ra.
Sóng dồn muôn dặm bao la,
Sông xuân một dải, đâu là không trăng.


(Xuân giang hoa nguyệt dạ – Ngô Tất Tố dịch)

Trăng xuân trên sông đã đẹp mà trăng xuân trên hồ lại càng đẹp biết bao ! Mặt nước hồ tĩnh lặng in bóng chị Hằng khiến khách nhàn du tưởng chừng hạt châu gieo đáy nước. Cảnh nên thơ ấy đã được Bạch Cư Dị vẽ lại một cách tài hoa trong bài "Xuân đề hồ thượng" :

Xuân đến trên hồ tựa bức tranh,
Nước êm phăng phẳng, núi vòng quanh.
Sườn non bích trải : tùng muôn cụm,
Đáy nước châu gieo : nguyệt một vành.


(Khương Hữu Dụng dịch)

Trăng cao, xuân lạnh vì làn gió đêm đã thổi qua ; trong khung cảnh ấy, người ca vũ được vua sủng ái, ban cho chiếc áo cẩm bào ở ngoài hiên hẳn thấy lòng ấm áp biết bao ! Vương Xương Linh đã vẽ nên bức tranh linh động có gió, có trăng, có đêm xuân lạnh và nhất là có tình của đấng quân vương đối với nàng ca vũ :

Trận gió đêm qua nở giếng đào,
Vị Ương điện trước, bóng trăng cao.
Vua vừa sủng ái người ca vũ,
Xuân lạnh ngoài hiên tặng cẩm bào.


(Xuân cung khúc – Trần Trọng San dịch)

Với Vương An Thạch thì đêm xuân tuy đẹp nhưng gió lạnh lất phất từng cơn, màu xuân não người đến không ngủ được, nhìn ra thấy ánh trăng xuân lung linh huyền ảo đã dời bóng hoa đến tận lan can :

Giọt rồng lặng tiếng, đỉnh hương tàn,
Lất phất từng cơn ngọn gió hàn.
Xuân sắc não nề thao thức mãi,
Bóng hoa, trăng nhắc tới lan can.


(Xuân dạ – Nam Trân dịch)

Mùa xuân là mùa của muôn hoa khoe sắc. Buổi chiều, khi các loài hoa khác đã tàn thì riêng hoa mai vẫn tươi nở làm rực lên một khoảng vườn con và hương thầm tỏa bay trong ánh trăng dịu nhẹ lúc hoàng hôn. Lâm Bô đời Tống đã cảm thụ được vẻ đẹp ấy của hoa mai :

Giữa đám hoa tàn giữ vẻ tươi,
Vườn con một mảnh đẹp mười mươi.
Cành thưa ngả bóng ngang lòng nước,
Hương thoảng vờn trăng lóe góc trời.


(Mai hoa – Nguyễn Văn Tú dịch)

Nếu hoa mai có vẻ đẹp thanh nhã thì hải đường lại có vẻ đẹp rực rỡ với sắc hồng quyến rũ khiến cho đêm xuân đã về khuya mà Tô Đông Pha vẫn còn khêu cao ngọn đèn để ngắm hoa vì sợ e hoa ngủ :

Phe phẩy màu xuân ngọn gió đông,
Bên thềm sương ngát ánh trăng lồng.
Canh khuya những sợ rồi hoa ngủ,
Khêu ngọn đèn cao ngắm vẻ hồng.


(Hải đường – Hoàng Tạo dịch)

Màu hồng của hoa ánh với màu hồng của gương mặt giai nhân thì càng đẹp biết bao ! Một ngày xuân, Thôi Hộ đã có cái duyên may gặp người đẹp đứng bên hoa đào, đôi má giai nhân ửng hồng vì màu hoa xuân rực rỡ khiến cho thi nhân quyến luyến chẳng nỡ rời. Năm sau trở lại thì giai nhân đã vắng, chỉ còn hoa đào cười với gió đông :

Hôm nay, năm ngoái, cửa này,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
Mặt người chẳng biết đâu rồi,
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.


(Đề tích sở kiến xứ – Trần Trọng Kim dịch)

Mải say sưa với giấc xuân, đêm tàn lúc nào không hay, đến khi chim kêu ríu rít thì thi nhân mới biết trời đã sáng. Chợt nghĩ đến đêm qua mưa gió tơi bời, biết bao cành xuân đã tả tơi trong gió, Mạnh Hạo Nhiên cảm thương cho số phận mỏng manh của những cành hoa tan tác rụng :

Giấc xuân trời sáng không hay,
Chim kêu ríu rít từng bầy khắp nơi.
Đêm qua mưa gió tơi bời,
Biết rằng hoa cũng có rơi ít nhiều.


(Xuân hiểu – Trần Trọng Kim dịch)

Nhưng Vương Duy lại không thương tiếc hoa rụng, hoa bay. Đối với nhà thơ này, vui xuân không có gì bằng uống rượu. Mỗi năm, xuân lại về một lần, người ta mỗi ngày một già thêm, cuộc đời ngắn ngủi, vậy còn gì hơn là vui say với vò rượu cho quên hết sự đời, còn hoa nở, hoa tàn, hoa rụng, hoa bay là chuyện tự nhiên, thương tiếc làm gì cho mệt. Ngày xuân cũng vậy, hơi đâu mà tiếc xuân qua. Vương Duy đã bày tỏ ý ấy trong bài "Tống xuân từ" :

Mỗi ngày người một già thêm,
Năm qua, năm tới lại đem xuân về.
Vui say vò rượu sẵn kia,
Công đâu mà tiếc làm gì hoa bay !


(Trần Trọng Kim dịch)

Trước cảnh xuân không phải ai cũng vui. Xuân về giữa lúc chiến tranh ly loạn, non sông bị tàn phá, trong thành xuân cây cỏ mọc đầy không ai chăm sóc đến nỗi hoa cảm thương cho thời thế cũng phải rơi lệ, chim sợ hãi trước cảnh sinh ly tử biệt của người đời. Đỗ Phủ đã cảm khái trước cảnh đổ vỡ hoang tàn của chiến tranh :

Nước tàn, sông núi còn đây,
Thành xuân cây cỏ mọc đầy khắp nơi.
Cảm thời, hoa cũng lệ rơi,
Chim kia cũng sợ hận người lìa tan.


(Xuân vọng – Trần Trọng San dịch)

Buồn nào cho bằng cảnh hiu quạnh của khu vườn hoang lúc xuân về. Vườn ấy trước kia sầm uất vui vẻ biết bao, thế mà giờ đây đìu hiu cô tịch. Mỗi khi chiều xuống chỉ có đàn quạ bay lượn lững lờ, xa xa vài nóc nhà lơ thơ, thưa thớt. Riêng cây cối trong sân không biết người nhà đi hết nên vẫn nở hoa đều đặn lúc xuân về. Hai câu cuối trong bài thơ "Sơn phòng xuân sự" của Sầm Tham thật là gợi cảm :

Trời tối, vườn Lương quạ dập dìu,
Nhà xa mấy nóc, cảnh đìu hiu.
Cây sân chẳng biết người đi hết,
Xuân tới, hoa xưa vẫn nở đều.


(Ngô Tất Tố dịch)

Nhưng buồn nhất trong ngày xuân có lẽ là những thiếu phụ sống trong cảnh cô đơn chiếc bóng. Điểm trang cho đẹp để ai ngắm ai nhìn? Cả một trang viện đều buồn. Nàng bước xuống lầu, một mình đi dạo trong sân, đếm từng đóa hoa xuân đã nở. Có con chuồn chuồn từ đâu bay đến đậu vào cành trâm trên đầu nàng khiến nàng càng cảm thấy cô đơn. Lưu Vũ Tích đã tả nỗi cô đơn ấy của người thiếu phụ trong bài "Xuân từ" :

Điểm trang nàng bước xuống lầu,
Buồn chan chứa viện, khóa màu vẻ xuân.
Bước ra đếm đóa hoa sân,
Chuồn chuồn bay đậu cành trâm trên đầu.


(Trần Trọng San dịch)

Xuân về mà chàng đã đi xa, trong cảnh cô quạnh ấy chỉ có gió xuân len lén vào phòng khiến người thiếu phụ nhớ đến dòng Tương chia cách. Nàng đắm chìm vào giấc mộng xuân, mơ thấy theo chàng đến tận Giang Nam muôn dặm. Sầm Tham đã nói lên nỗi lòng của người thiếu phụ xa chồng :

Gió xuân đêm trước vào phòng,
Mỹ nhân xa nhớ trên dòng Tương giang.
Mộng xuân một giấc mơ màng,
Giang Nam muôn dặm một đường ruổi mau.

( Xuân mộng – Trần Trọng Kim dịch)

Nói đến cảnh xa chồng lúc xuân về, thi vị nhất là bài thơ "Xuân tứ" của Lý Bạch. Nàng thiếu phụ ở nước Tần có chồng đi lính ở nước Yên. Khi cỏ Yên xanh như tơ biếc thì dâu Tần cũng nảy cành xanh. Khi chàng nhớ nhà muốn quay về thì cũng là lúc nàng nhớ chàng đến đứt từng đoạn ruột. Nhưng mong chàng chẳng thấy, chỉ thấy ngọn gió xuân vốn không quen biết, cớ chi lại tự tiện lọt vào chốn phòng khuê?

Cỏ Yên vừa phất tơ xanh,
Dâu Tần cũng nảy mươi cành lục thâm.
Lúc chàng đau nỗi xa xăm
Ấy khi thiếp cũng tím bầm ruột gan.
Gió xuân ơi ! Chớ sỗ sàng,
Ai quen biết với, vào màn với ai?

(Hồ Đắc Định dịch)

Còn nàng thiếu phụ kia, tuổi trẻ chưa biết buồn rầu, vì ham chút công danh đã xui chồng ra trận để tìm ấn phong hầu. Đến khi sống cô đơn, lên lầu nhìn màu xanh cây liễu mới hối tiếc cho tuổi xuân qua mau mà không được sống gần chồng, nhưng hối tiếc thì đã muộn. Nỗi hận ấy của người thiếu phụ chốn phòng khuê đã được Vương Xương Linh diễn tả bằng nét bút tài hoa trong bài thơ "Khuê oán" :

Trẻ trung nàng biết đâu sầu,
Buồng xuân trang điểm, lên lầu ngắm gương.
Nhác trông vẻ liễu bên đường,
"Phong hầu" nghĩ dại, xui chàng kiếm chi !

(Tản Đà dịch)

Người khách phương xa mỗi khi xuân về sao khỏi cảm thấy nhớ nhà. Nước trôi hoa rụng vô tình có hiểu đâu nỗi lòng người lữ thứ. Đêm nằm mơ thả hồn về cố lý mà cảm thấy chua xót ngậm ngùi, soi gương thấy tóc đã trắng như sương, vậy còn chờ gì nữa mà không về với phong cảnh ngũ hồ đang mong đợi. Nỗi niềm ấy được Thôi Đồ tả lại trong bài "Xuân tịch lữ hoài" :

Suốt năm vắng bặt tin nhà,
Ngày xuân giục giã tóc hoa bạc đầy.
Muốn về là được về ngay,
Năm hồ phong cảnh còn ai tranh giành.

(Trần Trọng Kim dịch)


Từ xưa, các nhà thơ nổi tiếng của Trung Hoa đã lưu lại cho đời biết bao vần thơ xuân tuyệt tác. Ngày nay, tuy sống giữa thời đại văn minh nhưng mỗi lúc xuân về, ngồi bên cành mai đóa cúc, nhắp ngụm trà thơm, ngâm câu thơ xuân Đường Tống há chẳng phải là cái thú tiêu khiển tao nhã hay sao?

(*) Anthologie de la Poésie Vietnamienne: hợp tuyển thơ Việt Nam.
(**) Bước xuống tàu để tập kết ra Bắc./.