Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

tranh của Maryse Lantoine






LỜI NGUYỀN




N hững ngày giáp tết âm lịch, bầu trời Denver xám xịt mây mù. Tuyết rơi tầm tả suốt ngày đêm. Làm gì cũng thấy buồn, Sa lái xe đến nhà chị Lê – chị ruột Sa - để có người nói chuyện cho đỡ cô quạnh. Chị Lê ở môt mình – như phần lớn những người già trên đất Mỹ khi con cái đã thành gia thất. Tuyết rơi nhiều quá, cái gạt nước làm viêc liên tục trên cửa kính, đường trơn rất khó đi. Sa phải lái xe thật chậm và thầm nghĩ là mình đã quá liều. Hơn nửa giờ đánh vật với đường đi, Sa cũng đến được nhà chị Lê. Chị Lê ra mở cửa, mới thấy mặt Sa đã la lên:

-Sa liều thật đấy, tuyết rơi thế nầy lái xe nguy hiểm lắm. Nhưng mà Sa đến chị mừng lắm. Chị cũng đang buồn nẫu ruột đây. Nghe Sa đến chị nấu phở gà, nghĩ một lát rồi ăn cho ấm bụng.

Từ gara chạy vào nhà chị Lê có mấy bước chân mà hai bàn tay Sa tê cóng. Sa vừa hít hà vừa nói:

-Khiếp, lạnh quá chị nhỉ. Tính ra độ C như bên Việt Nam thì phải đến hai mươi độ âm. Ngày xưa ở Đà Nẵng mùa đông lúc lạnh nhất cũng chỉ khoảng mười ba, mười bốn đột C mình đã chịu không nổi rồi. Lâu lắm mới có năm lạnh đến mức ấy. Còn thường thì khoảng mười sáu, mười bảy độ thôi.

Lê ngồi xuống ghế sô pha:

-Bên Việt Nam khí hậu nhiêt đới độ ẩm cao nên mười lăm, mười sáu độ là lạnh lắm rồi. Ở Mỹ khí hậu khô, em thấy đó, hai mươi độ dưới không độ mà mình đi ra ngoài vẫn chịu được mà. Một phần do áo ấm bên nầy dày hơn.

Sa nói:

-Hay là chị tắt máy heat đi. Mình đốt lò sưởi cho vui.

Chiều em, chị Lê bật lò sưởi. Ngọn lửa bập bùng trong căn phòng khách nhỏ dành cho gia đình. Chị Lê thở dài:

-Nhìn ngọn lửa thế nầy chị nhớ những ngày giáp tết ở quê nhà mẹ hay sai chị em mình canh nồi bánh tét. Mới đó mà đã mấy chục năm. Thời gian ngoảnh đi, ngoảnh lại ai cũng già cả rồi. Ba mẹ thì đã mất lâu rồi.

Sa cũng thở dài. Sa quên sao được những ngày còn sống bên ba mẹ. Hồi đó còn nhỏ, với Sa tết là những ngày thiêng liêng nhất. Cỡ hăm tám, hăm chín tết mẹ ngồi gói bánh tét. Gia đình Sa người miền Trung nên bánh tét là truyền thống. Gói từ sáng đến trưa là xong. Đầu buổi chiều, mẹ nhóm bếp ngoài vườn. Ba che chắn một vài tấm tôn, đề phòng trời mưa. Phòng vậy thôi, vì những ngày giáp tết ít khi trời mưa, chỉ hơi nhiều gió. Bếp đã được che kỹ nên không bị gió lùa. Việc nấu bánh tét là việc của chị em Lê. Sa bao giờ cũng đem ra bếp mấy tờ báo xuân, một cái ghế xích đu, thế là tha hồ đọc. Trung –em kế Sa – đem cây đàn guitar cũ ra vừa đàn vừa hát bên bếp lửa. Trung hay hát bài “ Xuân nầy con không về “. Sau nầy Sa thấy phải chăng đó là điềm báo trước cho những mùa xuân chia cách. Những năm Sa học đại học ở Huế thì Trung phải vào lính. Mùa hè 1972 mà lúc đó người dân gọi là mùa hè đỏ lửa, đêm đêm nghe tiếng đại bác vọng về suốt đêm làm rung rinh cửa kính, Sa thấy nóng ruột vô cùng, không biết giờ đây Trung ở đâu trong cuộc chiến khốc liệt nầy. Sau đó ít lâu nghe tin Trung đã mất tích trong một cuộc hành quân khi mới vừa tròn hai muơi tuổi. Sa còn nhớ mẹ đã ăn chay suốt thời gian sau đó để cầu nguyện cho Trung sống sót trở về. Nhưng Trung đã vĩnh viễn không về nữa. Cũng không ai biết xác em nằm ở nơi nào. Những lần nấu bánh tét trong những năm sau, chỉ có Sa ngồi buồn thiu vì không có tiếng đàn của Trung nữa. Chị Lê đi lấy chồng xa, tết cũng không về. Một mình Sa vừa canh lửa vừa đọc báo. Đọc một lát mỏi mắt Sa nằm thiu thiu ngủ luôn, may mà có mẹ chạy ra, chạy vô coi chừng không thì lửa tắt bánh sẽ sống. Sa rất mê báo xuân, với Sa nó là linh hồn của ngày tết. Không có báo xuân, tết sẽ mất thi vị. Sa nhớ sau đó là những năm thời bao cấp, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Hồi đó Sa đã có gia đình riêng, sống xa quê hương, xa ba mẹ. Đồng lương giáo viên cấp ba chỉ đủ đi chợ được bốn ngày. Ngày tết không thể nào mua nổi một tờ báo xuân. Sa nhớ mình đã từng đứng ở quầy báo nhìn những tờ báo xuân đầy màu sắc với vẻ thèm thuồng mà nghĩ không bao giờ mình mua được. Sa chỉ dám giở từng tờ thật nhanh, đọc lướt qua từng dòng rồi ra về trong tiếc nuối. Thời đó ngày tết tại quê nhà Sa biết ba mẹ cũng không đủ khả năng để nấu một nồi bánh tét nữa. Nhà vắng, cả bầy con đi mỗi đứa mỗi ngả, chỉ còn ba mẹ Sa và ba đứa em, một gái hai trai.

Rồi thời thế đổi thay, chị Lê theo chồng con đi Mỹ diện H.O. Sau đó mấy năm chồng Sa qua đời. Rồi Sa theo con qua Mỹ diện đoàn tụ gia đình. Và hai chị em lại hội ngộ nơi đất khách quê người. Các con chị Lê đã có gia đình riêng. Chị cũng không muốn ở chung với đứa nào, sau khi chồng mất chị vẫn sống một mình. Sống như vậy cũng buồn nhưng chị xác định không muốn xen vào cuộc sống riêng tư của các con. Thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, các con chở cháu về chơi, có khi cả ba, bốn gia đình cùng về. Rộn ràng một hai ngày rồi ai về nhà nấy, và chị lại trở về với thế giới hiu quạnh của riêng mình. Với chị, như thế cũng là quá đủ.

Ăn xong bữa phở gà trời cũng vừa sụp tối. Bên ngoài tuyết vẫn bay lả tả. Chị Lê nói:

-Năm nay thấy rõ những biến đổi khí hậu trên đất Mỹ nầy. Denver suốt cả mùa đông trời nắng chang chang. Những đêm có tuyết rơi, sáng hôm sau hết tuyết lại nắng tưng bừng. Từ mùa thu đến giờ chị chưa thấy một trận mưa nào, chả bù cho mấy năm trước. Florida lâu nay vẫn là xứ nóng năm nay lại có tuyết. Houston ngày xưa cứ bốn năm mới có một trận tuyết, mùa đông năm nay đã có khá nhiều trận tuyết. Cô Năm phải hái hết cam quít đem cho người quen không thì hư hết.

Nghe nói đến cô Năm, Sa hỏi:

- Lâu nay chị có hay liên lạc với cô Năm ở Houston không ?

Lê nói:

-Mới gọi cho cô tuần trước. Dạo nầy cô cũng yếu lắm rồi. Hai vợ chồng già sống với nhau. Con cháu cũng chạy đi chạy về.

-Nhưng sao không vào nhà dưỡng lão ở ?

-Cũng tại cô không chịu. Tâm lý người già Việt Nam thường tủi thân khi con cái đem gửi vào viện dưỡng lão. Không phải như người Mỹ.

Sa nói:

-Nghĩ cũng lạ, cô Năm hồi trẻ chắc đẹp lắm. Người lại cao, trong khi đó dượng thì thấp, xấu, và gù lưng nữa. Sao dì lại chịu lấy ông chồng như thế nhỉ ?

Lê nói:

-Em không biết đó thôi. Chuyện lấy chồng của cô ly kỳ lắm. Chị nghe bà nội kể cô bị đánh tráo chồng đó em.

Sa tròn mắt:

-Đánh tráo chồng ? Có chuyện đó nữa sao ?

Ừ. Chuyện thật một trăm phần trăm. Thời đó còn hủ lậu lắm. Đến ngày cưới mới biết mặt chồng. Nhưng vì dượng gù lưng lại xấu nữa, nên nhà chồng nhờ em ruột của dượng đi cưới cô. Nhưng đến khi về đến nhà chồng rồi mới tráo dượng vào. Việc đã lỡ rồi, đành chịu thôi.

Sa kêu lên:

-Trời ơi, sao dã man vậy ? Tội nghiệp cô.

-Nhưng bù lại, nhà dượng giàu. Và dượng sống với cô cũng tốt lắm.

Sa mím môi:

-Em thấy bất nhẫn quá. Sao cô không bỏ đi ?

-Thời đó khác. Đâu phải như bây giờ. Thời đó con gái mấy ai dám ra khỏi lũy tre làng. Nhưng cũng may là trời thương, cô sinh một bầy con nhưng không ai gù lưng giống dượng.

Sa thở dài:

-Phụ nữ sinh vào thời đó đúng là thiệt thòi đủ đường. Tội ngiệp cô. Vậy rồi cũng sống với nhau đến đầu bạc răng long.

Cô Năm cũng như đa số những người phụ nữ thời xưa, cái thời người phụ nữ phải hứng chịu thua thiệt đủ đường mà cứ phải chấp nhận không dám kêu ca. Có chăng chỉ là những giọt nước mắt âm thầm nhỏ xuống trong đêm. Cũng như mẹ, không ưng ba rồi cũng phải lấy. Nhưng ba thì lại khác, cũng là con một, ngoại hình chuẩn, lại là công chức. So với cô Năm, mẹ còn may mắn hơn nhiều. Thế rồi cũng qua môt đời, cũng con đàn cháu đống. Biết đâu thế lại may hơn những cuộc hôn nhân tự chọn, không ai ép uổng như cuộc hôn nhân của chị Lê, của Sa.

Nói đến cuộc đời chị Lê bao giờ Sa cũng có một chút ngậm ngùi. Cả đời chỉ yêu và lấy một người, nhưng cũng đau khổ cả đời vì một người. Cho đến những ngày tháng cuối đời vẫn sống với nhau trong cảnh “ đồng sàng dị mộng “. Chị Lê yêu anh Toàn khi Sa khoảng mười bốn tuổi. Anh người Nam, theo đơn vị ra miền Trung. Mẹ Sa có một quầy tạp hóa nhỏ, một hôm anh đi ngang qua thấy chị Lê bán hàng thay mẹ, liền vào mua kẹo. Nhiều lần ông khách nầy vào chỉ mua kẹo làm chị Lê để ý. Chị nói với Sa:

-Ông nầy mua kẹo làm gì nhiều thế. Người lớn mấy ai thích kẹo. Không lẽ ông ấy còn trẻ thế mà đã có con?

Sa cũng không hiểu nhưng mẹ thì hiểu. Nghe chị Lê nói thế mẹ cười:

-Ông ấy muốn làm quen với con đấy, nhưng mà chắc nhát quá nên chưa nói gì thôi.

Chị Lê nghe thế liền nói:

-Thôi thế lần sau ông ấy vào mua kẹo mẹ ra bán nhé. Con không bán đâu đấy.

Lần sau mẹ ra bán, anh Toàn làm quen với mẹ. Mẹ thấy anh hiền lành, nhút nhát tội nghiệp, liền mời anh vào nhà chơi. Thế là quen với chị Lê. Hai người yêu nhau được một thời gian, anh Toàn được lệnh thuyên chuyển về Sài Gòn. Hồi ấy chị Lê cũng lao đao một dạo, rồi sau khi tốt nghiệp trung học, chị xin ba mẹ vào Sài Gòn làm thư ký cho hãng buôn của người chú, thật ra là lấy cớ để được gặp lại anh Toàn. Hai năm sau anh chị về quê làm đám cưới. Đến khi có đứa con đầu, chị về quê chờ sinh nở. Thói đời xa mặt cách lòng, sau thời gian ở quê khá lâu, chị ôm con về lại Sài Gòn mới hay trong ngôi nhà của hai vợ chồng chị đã có thêm một người đàn bà khác. Thì ra chồng chị đã đem người tình của mình về sống chung trong thời gian chị về quê sinh nở. Đau lòng hơn là khi chị phản đối, bà mẹ chồng lại lên tiếng bênh vực người đàn bà kia. Đó là lý do sau nầy mẹ chồng chết, chị từ chối không để tang, mặc cho ai nói gì thì nói. Theo lời chị kể lại thì người đàn bà kia tên Kim, cũng khá xinh đẹp nhưng có đôi chân khập khiễng. Rất cương quyết, chị Lê yêu cầu chồng phải chọn một trong hai người phụ nữ. Nếu chọn người đàn bà kia thì chị sẽ bồng con trai về quê ngay lập tức. Cuối cùng thì người đàn bà kia phải ra khỏi nhà. Nhưng chị phải đối đầu với thái độ lạnh nhạt và câu nói cay đắng của chồng mà mãi đến cuối đời chị vẫn không quên được: “ Tình cảm đâu phải như cành cây vô tri mà muốn cắt bỏ là cắt được “. Thì ra bổn phận đã buộc anh phải chọn chị, nhưng tình yêu lại dành cho người đàn bà kia. Từ đó họ sống với nhau theo kiểu “ đồng sàng dị mộng “. Đến khi chị có đứa gái thứ hai, anh trắng trợn đặt tên con gái là Kim, mặc cho chị phản đối. Cay đắng và uất ức, chị gọi con gái là Linh theo tên chị đặt để trả thù chồng. Từ đó người trong nhà và những người quen biết ai cũng gọi con gái chị là Linh, anh Toàn dĩ nhiên là không thể gọi con bằng cái tên Kim của người tình cũ, đành ngã theo số đông. Cái tên Kim từ đó chỉ được gọi ở trường học và nơi bé Linh đi làm sau khi đã trưởng thành.

Sau khi nghỉ hưu, chị Lê thường giải buồn bằng cách ngồi đan áo len. Chị đan áo cho mình, cho con và cho dâu, rễ, các cháu…Chị còn đan áo cho bạn bè ở các bang khác, và gửi đi bằng bưu điện. Nhưng chị không hề đan áo cho anh Toàn. Lời nói ngày xưa chị vẫn không quên được, “ Tình cảm đâu phải là cành cây vô tri mà muốn cắt bỏ là cắt được. “. Sa đồng tình với thái độ của chị. Chị chịu đựng tất cả vì con. Ít ra anh Toàn đã nợ chị Lê một lời xin lỗi, nhưng không anh không hề nói, ngay cả khi nhắm mắt lìa đời.

Sa nhớ thời con gái, đã có lần Sa nghe bà nội nói một điều mà có lẽ do trãi nghiệm của cả môt cuộc đời bà, hoặc do kinh nghiệm của những hế hệ đi trước truyền lại: : “ Con gái tộc Trần nầy sẽ khổ suốt đời.” Sa hỏi vì sao. Bà trầm ngâm một lát rồi nói với vẻ mặt nghiêm trọng: “ Do mắc phải lời nguyền của một người đàn bà “. Nghe kỳ bí và rùng rợn. Ban đầu Sa không tin. Làm sao lại có một lời nguyền độc ác như thế? Người đàn bà kia là ai ? Bà ta là người tộc Trần hay người ngoại tộc? Vì sao bà ta lại thù những người đàn bà tộc Trần nầy đến thế? Bao nhiêu là câu hỏi quanh một người đàn bà kỳ bí đã khuất bóng từ kiếp nào. Sau nầy khi đã trải qua rất nhiều cay đắng của cuộc đời, và sau khi có những hiểu biết về cuộc đời của những người phụ nữ trong họ tộc qua nhiều thế hệ, Sa bắt đấu tin bà nội nói đúng và lời nguyền kia là có thật. Từ cuộc đời bất hạnh của chị Lê, của Sa, của cô Năm, của cô Ba…và của nhiều người phụ nữ nữa, phải chăng đều là nạn nhân của một lời nguyền? Cô Ba thì không những khổ vì dượng Ba bay bướm, trăng hoa, mà còn khổ ví cái tính keo kiệt của chính mình. Cả đời không dám ăn tiêu gì, chỉ ky cóp tích lũy tiền bạc y hệt như nhân vật Grandet trong tác phẩm của nhà văn Pháp Balzac. Sợ chồng đem cho gái, cô hết dấu chỗ nầy đến đấu chỗ khác. Vàng thì đào đất trong vườn chôn. Khi già chết vì suy kiệt do nhịn ăn nhịn mặc thì cũng là lúc cô quên mất không biết vàng và tiền cất giấu ở đâu. Thời đó đâu có nhà băng mà gửi tiền, vàng. Và cái lời nguyền kia cứ ám ảnh nhiều thế hệ phụ nữ tộc Trần đến nỗi khi Sa đến thăm mấy cô em họ con chú sau nhiều năm không liên lạc, mấy cô em nhìn Sa rồi nói:

-Em nghe nói con gái họ Trần khổ lắm. Nhưng nhìn chị Sa thì không có gì khổ như bọn em.

Thì ra chỉ là nhìn bề ngoài, làm sao họ biết là Sa không khổ ? Sa thật ra cũng là nạn nhân không biết thứ bao nhiêu của một lời nguyền !