Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







CHỊ HÀNG XÓM




  
        

C hị ấy tài. Chị ấy lanh lợi. Chị ấy là người quyết định lấy số mệnh của mình. Chỉ phải cái vốn liếng chữ nghĩa của chị chắc là chưa được xếp vào bậc trung học. Khi tôi gặp chị, chị đang làm việc tại một cơ quan bưu chính viễn thông tại Saigon, và cũng chắc là chị chỉ giữ một công việc khiêm tốn như tạp vụ hay lao động phổ thông gì đó. Bù lại chị rất xinh. Dáng người thanh thoát, dong dỏng cao, có phần tròn trĩnh, nước da trắng, đặc tính chung của các cô gái xứ Bắc. Môi lúc nào cũng như có thoa son. Nhưng chị nói “tôi cứ để tự nhiên nó vậy”. Nhìn chị chuẩn bị đi ra phố, chị ăn mặc như một bà công chức sang trọng xấp xỉ bốn bốn, bốn lăm. Không ai nghĩ rằng chị ấy là một nhân viên tạp vụ của một cơ quan. Thực ra, tôi cũng chỉ đoán như vậy khi nhìn vào một mảnh giấy nhỏ ghi số nước sử dụng trong tháng ở nhà chị gửi cho nhân viên phụ trách chung cư. Tội nghiệp chữ viết của chị mới bằng một đứa con nít lớp ba… rưỡi, không được lớp bốn. Đến cái tên của chị cũng làm tôi ngỡ ngàng. “Em tên là Ngan”. Tôi giật mình, lập lại: “Ngan, không có zê?”. Chị xác nhận: “Đúng, không có gờ”. Tôi vẫn còn lơ lơ lửng lửng có vẻ như không hiểu “ngan” là gì? “Ở trong này người ta gọi ngan là con vịt xiêm đấy ông giáo ạ”. Nói xong chị cười hí hí như con ngựa đang tung hai chân trước lên cao. Tôi thầm nghĩ và tức cho ba mẹ của chị ấy. Có được một cô con gái xinh đẹp như vậy mà lại đặt cho một cái tên quá sức “dân gian”. Chị kể, ngày xưa, ở nhà quê, lúc chồng chị mới đến làm quen, nói lúng búng: “Mình đã để ý đến Ngan”. Lúc bấy giờ chị chưa thích anh ấy lắm nên đẩy cho anh ấy một câu tóe lửa: “Ra ngoài chợ mua lấy một con về mà yêu”. Chị vui tính và có vẻ hồn nhiên, linh hoạt. Buổi sáng chị đẩy chiếc xe máy 84 màu “be” ra để đưa con gái đi học, trông chị sang trọng lắm. Con gái chị khoảng “tuổi mười hai, tuổi mười ba” cũng lanh lợi và có lẽ sẽ không kém gì bà mẹ trong tương lai. Những người biết chuyện kể lại, từ khi chị về ở trong chung cư này chỉ có hai mẹ con hôm sớm ra vào căn hộ ở dãy nhà sau chung cư. Chồng chị đâu? Có người nói chị đã chia tay với ông chồng ở vùng quê xa xôi ở phương Bắc từ khi chị ra Hà Nội làm việc và dẫn theo đứa con gái, rồi trên đường dong ruổi vào Nam sinh sống chị luôn luôn ở bên cạnh đứa con gái thương yêu duy nhất của mình. Hẳn là chị muốn tìm cho con gái một tương lai rực rỡ mà chị đang ấp ủ.

Một hôm, chị đến gặp tôi cho biết chị đang muốn đi thêm bước nữa, nhưng vì còn con gái nên chị còn đang lưỡng lự chưa có quyết định dứt khoát. Chị muốn cho con gái làm con nuôi ở một gia đình trên Bình Dương, rồi chị sẽ được rảnh rang để đi lấy chồng. Điều chị muốn tôi giúp là làm chứng giùm cho chị ấy với lý do không thể chăm sóc cho con gái sau khi lấy chồng.

Ở Saigon lúc bấy giờ việc cho con vào gia đình khác làm con nuôi khá phổ biến, phần lớn những gia đình nhận con nuôi có người đạt tiêu chuẩn được đi nước Mỹ để định cư nhưng chưa làm thủ tục và mọi công việc sẽ được tiến hành sau khi việc nhận con nuôi được hoàn tất. Đặc biệt người đem con đi cho, không nhận được gì để bù đắp cho sự mất mát của mình, trái lại họ còn phải chung cho người nhận con nuôi một khoản tiền tính bằng “cây”. Mỗi vụ việc như vậy thường được tính từ năm cây đến mười cây tùy hai bên thỏa thuận.

Biết không thể giấu được, nhất là chị đang cần tôi giúp đỡ, chị thố lộ tâm tình. Chị lấy phải ông chồng thuần chất “nông dân hiền hậu” không biết nghĩ gì đến tương lai con cái. Đầu óc không vươn ra khỏi cái cày, cái cuốc. Con gái chị lớn lên sẽ ra làm sao? Chị không muốn con gái chị trở thành một cô thôn nữ chân lấm tay bùn sau lũy tre xanh. Thế là chị dứt khoát bảo ông chồng ở lại quê nhà làm ăn, chị dắt con gái, lúc bấy giờ mới ba bốn tuổi, lên thành phố sinh sống. Tại đây chị ở lại nhà một người bà con và may mắn được người bà con này tận tình giúp đỡ. Con gái chị được vào học ở một trường mẫu giáo, còn chị được vào làm tạp vụ cho một cơ quan bưu chính viễn thông.

Khi tôi về ở tại chung cư An Bình này, chị đã có mặt từ trước rồi. Trông chị rất khá giả. Thời đó, nhiều người ở trong chung cư là những công nhân viên chức nhà nước còn đi xe đạp lọc cọc, chị đã có chiếc xe máy đèn vuông, bóng láng. Mỗi khi ra đường chị có thêm tí phấn, tí son trông càng đẹp ra.

Bấy giờ chị muốn cho con gái vào một gia đình nào đó để “rảnh rang” đi lấy chồng. Chị đã nhờ một luật sư tại một văn phòng dịch vụ pháp lý ở đường Nguyễn Du giúp đỡ làm thủ tục. Tôi đã ký vào hồ sơ của chị để xác nhận chị không thể chăm sóc cho con của chị sau khi chị đi lấy chồng. Sau này tình cờ tôi có việc đi tìm một người bạn là luật sư đang công tác tại một văn phòng dịch vụ pháp lý ở đường Nguyễn Du. Anh chàng này kể cho tôi nghe anh thấy tôi ký tên làm chứng cho bà Ngan cho con gái để bả rảnh tay đi lấy chồng khác. Do đã là bạn tôi nên anh ta sốt sắng làm hồ sơ được hoàn tất nhanh chóng. Anh còn cho tôi biết con gái của chị được cho vào một gia đình có một đứa con gái lai Mỹ và anh sẽ là người giúp gia đình đó làm thủ tục đi định cư ở Mỹ. Thảo nào sau khi việc cho con đã xong tôi không thấy chị ấy động tĩnh gì cả. Tôi cũng không thấy một người đàn ông nào đến gặp chị để cho thấy chị đang chuẩn bị lấy chồng. Rồi cũng từ đó bất cứ một dịp lễ, Tết nào chị cũng có quà cho tôi, thậm chí ngày 8-3 là ngày Quốc Tế Phụ nữ, chị cũng lấy lý do tặng quà cho bà xã tôi.

Gần một năm sau, vào một ngày đẹp trời, chị gõ cửa nhà tôi. Vào bên trong chị nói nhỏ cho tôi và bà xã tôi nghe: “Con gái em đi được rồi, anh chị đừng nói với ai nhé”. Tôi đưa tay ra bắt lấy tay chị, chúc mừng. Bàn tay chị đột nhiên ấm áp lạ lùng. Chợt thấy bà xã tôi đứng bên cạnh tôi vội buông tay chị ra vừa chúc mừng vừa tiễn chị ra cửa.

Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi, chị cứ hôm sớm đi về một mình một… xe máy, dáng vẻ vẫn sang trọng. Vẫn không thấy bóng dáng một người đàn ông nào đến với chị. Tôi tự nghĩ không biết chị có thấy cô đơn trong cảnh phòng không một bóng, một hình. Tôi cũng không thấy chị cà kê, chuyện vãn với những người phụ nữ trong chung cư. Nơi tôi ở giống như những chung cư cao cấp bây giờ. Nhà ai nấy ở. Cửa trước bao giờ cũng đóng kín. Cửa chỉ được mở ra khi có người ra vào rồi lại đóng sầm kín bưng. Người trong nhà chỉ tiếp xúc với khí trời hay quang cảnh bên ngoài qua các khung cửa sổ. Nghe nói xưa kia chung cư này rất sang trọng do người Pháp xây cất dành cho mấy ông Tây bà đầm ở để làm việc tại các cơ quan nước ngoài. Nay các người nước ngoài đó đã trở về quê hương xứ sở của họ nhường chỗ cho nhân dân ta đến ở. Vì đông người nên nhiều căn hộ phải chia cho hai gia đình cư ngụ. Có căn hộ phải làm thêm gác lửng nhờ trần nhà rất cao theo cách kiến trúc của Tây. Và rồi chung cư dần dần xuống cấp theo thời gian.

Một buổi chiều, tôi tình cờ gặp chị ở dưới sân trong chung cư. Chị nói khẽ cho tôi biết: “Con gái em đã đi học được hai năm. Vừa rồi nó được giấy khen của trường”. Chị nhìn trước nhìn sau rồi lấy trong giỏ ra một tờ photocopy ghi tên con gái của chị được xếp loại giỏi cuối học kỳ. Tôi khen “Cháu học giỏi quá” rồi nói thêm: “Vậy là Cô phải “rửa” giấy khen này đấy nhé”. Chị hiểu ra và bật cười hí hí vang dội. Tôi đâm ra thích kiểu cười quen thuộc của chị. Nhưng chị vội ngừng ngay như sợ có ai nghe thấy, rồi từ giã tôi và rồ máy chạy ra cổng. Tôi đứng tần ngần một lúc cảm thấy thời gian trôi nhanh quá và chép miệng: “Cô nàng này đã thành công. Không biết còn có màn gì nữa không?”

Cái màn kế tiếp đã xảy ra sau đó chừng hai tháng. Một buổi sáng Chủ Nhật chị mời tôi cùng với chị tối hôm đó đến nhà một người bạn. Chị cho biết công việc của tôi đến đó là phiên dịch giúp chị và vài người bạn vì sẽ có hai khách mời là người Mỹ. Chị tỏ ra mừng rỡ khi thấy tôi nhận lời và lấy từ trong giỏ xách một gói thuốc lá ba số tặng tôi: “Anh cất lấy để hút”.

Tôi và chị đến nơi đúng giờ hẹn. Vào đến nhà tôi thấy ngay có hai ông khách người nước ngoài và hai người phụ nữ khác. Mọi người đứng dậy chào đón chúng tôi, sau đó an tọa. Nhìn vào vị trí chỗ ngồi của mỗi người tôi thấy hai anh Mỹ ngồi đầu bàn đối diện nhau. Phía bên kia là một anh Mỹ bên cạnh là một phụ nữ rồi đến chủ nhà. Bên này là anh Mỹ ốm hơn bên cạnh là chị ấy rồi đến tôi. Theo yêu cầu của chị tôi cho hai anh chàng người nước ngoài này biết tôi chỉ là bạn được chị nhờ đến để phiên dịch và để… ăn.

Có một sự trùng hợp vui vui là anh chàng Mỹ ngồi bên cạnh chị Ngan, hàng xóm của tôi, có tên là Rhett. Tôi buột miệng hỏi đùa: “Anh có bà con gì với anh chàng Rhett Butler trong phim Cuốn theo chiều gió không?” Anh ta cười ha hả rồi nói: “Ối, trùng hợp thôi. Bên Mỹ có hàng vạn người có tên là Rhett”. Tôi đùa thêm: “Bên cạnh anh đang có một Vivien Leigh đấy”. Anh lại cười: “Ừ, trông cô ấy xinh thật”. Thấy mấy cô đang ngẩn tò te không biết tôi và Rhet đang nói chuyện gì, Tôi quay sang chị Ngan nói: “Nó khen cô đẹp đấy”. Chị thích quá cười lên hí hí như tiếng ngựa lồng quen thuộc.

Trong bữa ăn tôi không cho mọi người thấy được “thực lực” của tôi. Tôi thường nói đùa cái từ ngữ Hán Việt này là “sức ăn”. Tôi chỉ ăn qua loa vì phải phiên dịch liên tục. Trong lúc trò chuyện tôi thấy anh chàng Mỹ kia chăm sóc cô bạn của chị rất kỹ. Mỗi khi cô gắp thức ăn anh chàng mới bỏ vào chén, cô liếc anh với cặp mắt lá dăm, rồi cười một cách đằm thắm, dịu dàng. Tôi thấy hình như tim anh kia bị cháy mất rồi. Ngược lại, bên này, anh chàng cứ lơ lơ lửng lửng không nói chuyện nhiều với chị Ngan mà lại thích nói chuyện với tôi. Trong khi đó chị Ngan cứ gắp thức ăn cho Rhett liên tục. Chị bỏ chả giò vô chén của Rhett rồi cười hí hí: “Ăn đi… cưng”. Dĩ nhiên tôi phải dịch là “Ăn đi bạn” và cũng đương nhiên tôi không dịch được tiếng cười hí hí của chị sang tiếng Anh.

Sau bữa tiệc tôi thấy rõ ràng hai cô nàng này đang “câu rê” hai anh Mỹ này. Nhưng có lẽ cô bạn của chị sẽ thành công, còn chị thì chưa ra cơm ra cháo gì cả. Tôi nhận ra cái màn kế tiếp của chị là đây. Tức là chị muốn tìm một anh Mỹ cõng chị về “dinh” ở bên kia nửa vòng trái đất. Tôi cũng nghĩ có lẽ anh chàng Rhett này còn “rét” gái như cái tên của anh ta. Mới gặp nhau anh ta còn e thẹn chăng. Mấy ông Mỹ này không biết được, biết đâu một ngày nào đó anh ta gọi điện thoại cho chị và bất ngờ nói: “mi ô kê you”. Có thể anh ta nói như vậy để cho chị dễ hiểu. Lúc đó, chị chỉ còn nước nhanh chóng thay đổi xiêm y theo anh ta lên máy bay về Mỹ.

Bữa tiệc hôm đó đã đưa đến kết quả và tôi nghĩ đó cũng là điều tất yếu thôi. Nửa tháng sau chị lại mời tôi đến chỗ đó trước là phiên dịch, sau là ăn, dĩ nhiên không phải là gì khác. Lần này chị cũng cho tôi một gói thuốc lá ba số. Tôi nghĩ màn thứ hai của chị chắc chắn sẽ thành công. Chị sẽ có cơ hội để đoàn tụ với con gái mà chị đã phải chịu xa cách mấy năm nay.

Vào bàn tiệc, điều làm tôi ngạc nhiên là không có Rhett mà chỉ có John - bạn của cô bạn chị. Anh chàng mà lần trước đối xử rất âu yếm với cô bạn chị. Lần này, tôi thấy hơi khang khác dù rằng khi bắt đầu ăn, cô bạn chị gắp cho John một miếng chả lụa dầy cộm. Ăn xong miếng chả, John ngẩng đầu lên như chờ cô bạn sẽ nói gì đó, và cô bạn bắt đầu cất tiếng hết nhìn tôi rồi nhìn John: “Anh nói cho John biết, em rất thích anh ấy. Từ khi mới quen, thấy anh ấy hiền lành, em nhận lời đi dạo phố, đi ăn chỗ này chỗ nọ. Mỗi lần đi chơi như vậy em rất thoải mái và thú vị vì em thấy anh ấy rất “đời thường”. Cách đây mấy hôm anh ấy nói yêu em và muốn cưới em rồi đưa về Mỹ. Anh ấy nói bằng cách ra dấu như người câm, em cũng ra dấu cho anh ấy biết là không được nên anh rất buồn, hôm nay em muốn nhờ anh cho anh ấy biết em đã có chồng và có con 4 tuổi đang sống với ngoại”.

Tôi thật sự bàng hoàng, như một người từ trên trời rớt xuống kênh… Nhiêu Lộc. Bàn tiệc im phăng phắc. Tôi cất lời phiên dịch. John lắng nghe từng lời “phán” của tôi. Tôi cố gắng dịch cho ra cái từ ngữ “đời thường” mà cô ấy đã sử dụng. Từ ngữ này lúc bấy giờ rất phổ biến và thành thời thượng, báo đài thường dùng trong các sô đàm luận. Nghe tôi dịch xong John hết sức ngỡ ngàng, có lẽ anh ta cũng đang rớt xuống một con kênh nào đó ở bên Mỹ nhưng chắc chắn sạch sẽ hơn kênh Nhiêu Lộc nhà mình. Vài giây sau John nhìn cô bạn ấy hỏi: “Sao em không nói cho tôi biết ngay từ đầu?”. Cô bạn của chị Ngan chậm rãi trả lời sau khi nghe tôi dịch lại: “Thật ra em thích đi chơi với anh ấy vì anh hiền lành tốt bụng mỗi khi đi ăn, đi dạo em chỉ xem anh ấy là bạn. Không cần thiết phải nói ra cái chuyện chồng con”. John ngồi im lặng khi nghe tôi dịch xong. Tôi muốn phá tan cái bầu không khí thê thảm đó, nên nói giả lả: “Bà con tiếp tục ăn đi chứ”. Rồi nhìn John tôi bảo: “Ăn đi bạn, không có gì phải buồn”.

John cứ thắc mắc và trách: “Vì sao không nói trước?”. Còn cô bạn thì cứ “thấy anh ấy rất… đời thường nên em thích, ngu sao nói chuyện có chồng có con làm gì”.

Bất ngờ, lại bất ngờ. Chị Ngan cất tiếng: “Thôi, bây giờ bạn em không chịu, nó có chồng con rồi, anh nói John chọn em đi!”. Lúc nãy tôi đã bị một cú rớt xuống kênh Nhiêu Lộc, bây giờ lại bị Thiên Lôi ban cho một tiếng sét khủng khiếp. Nếu John là người Việt tôi đã phải chui xuống bàn, không dám dịch dẹt gì cả vì xấu hổ giùm cho chị. Nhưng không sao đây là người ngoại quốc, lời nói lời dịch sẽ bay đi xa sang tận trời tây, cho nên tôi cứ “phản ánh” nguyên xi lại bằng tiếng Anh. Không biết phong tục tập quán của người Mỹ như thế nào nhưng tôi nhìn John có vẻ như hơi giật mình. Anh quay lại nhìn chị Ngan như dò xét. Tôi cảm thấy có một luồng nước lạnh chạy dài trên sống lưng. Tôi thấy chị quá táo bạo. Chị muốn thực hiện màn hai của mình bằng một cú “táp-pi”, một cú hết láng như vậy. Bàn tiệc lại trở nên yên lặng như tờ. Tôi không biết làm gì hơn là gắp một miếng thịt gà trong tô cà ri bỏ vào chén của mình rồi bình tĩnh ăn nhưng trong bụng đang đánh lô tô giống như một con yêu tinh đang bị Tôn Ngộ Không quậy trong bụng.

Chờ mãi không thấy John trả lời, Chị hỏi tiếp: “Sao có được không… cưng?” rồi lại cười hí hí. John đành phải trả lời: “Cho tôi về suy nghĩ lại”, rồi đứng dậy cáo từ ra về. Bàn tiệc tan một cách đột ngột. Chị hàng xóm của tôi còn nói vói theo: “Chị mày còn ngon cơm lắm đấy, ừ đi”. Tôi không còn can đảm dịch dẹt gì nữa, coi như John không nghe và ra về.

Sau bữa tiệc đó tôi ít khi gặp chị hàng xóm vui vẻ, có tiếng cười đặc biệt mà tôi cảm thấy quen thuộc. Màn hai của chị không có kết quả cụ thể. Ông trời oái oăm, sao không sắp xếp cho chàng John ngay từ đầu để gặp chị thay vì gặp cô bạn dấm dớ kia, biết đâu giờ này chị đã cười nói vang dội: “Thành công rồi! Thành công rồi!”. Tiếng cười hí hí lại được cất lên…

Chuyện đời không ai biết được. Đừng trách ông trời. Ông không phụ lòng người ta đâu. Gần một năm sau, vào một buổi sáng chị đưa cho tôi một tấm thiệp cưới: “Mời anh chị đến dự đám cưới của em”.

Chúng tôi chúc mừng và tiễn chị ra cửa. Nhìn vào bên trong thiệp cưới, tên chú rể không phải là John mà là Jack.

Thì ra chị đã âm thầm lặng lẽ thực hiện phương án hai đưa đến thành công cho cái màn hai của cuộc đời./.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển