Việt Văn Mới
Việt Văn Mới









TÀ ÁO TÂY THI









oàn văn công về xã”. Tin đồn lan nhanh còn hơn báo động sắp có trận càn của địch.

     Trong buổi họp chợ, ngoài những câu trao đổi mua bán, người ta còn bàn bạc ì xèo về đào kép. Nào là đào Thiên Kiều sắp lấy chồng mà người diễm phúc không ai khác hơn anh kép chánh Hùng Dũng. Họ lo lắng mai kia mốt nọ đào Thiên Kiều có bầu thì làm sao diễn? Liệu chất giọng ngọt như mía lùi có mất đi không? Người mua, kẻ bán trở nên hào phóng, dễ dãi. Họ ngã giá nhanh chóng nên chợ tan sớm hơn mọi lúc.

    Ngoài đồng, công việc gặt hái hình như nhẹ nhàng gấp bội. Nắng trưa chỉ làm mau khô những giọt mồ hôi đọng trên lưng áo nông dân. Không ai cảm thấy nóng và mệt. Lưỡi hái loang loáng dưới ánh mặt trời. Từng nhánh lúa trĩu hạt vàng rộm, thơm lừng bị cắt rời gốc rạ. Họ muốn kết thúc sớm chuyện đồng áng để buổi tối an tâm giải trí.

Nhưng, sôi động nhất vẫn là bọn trẻ trong xóm. Chúng gọi nhau chí chóe, ríu rít như chim hót chào bình minh. Chúng tụ lại thành từng nhóm nhỏ tán chuyện. Hết đoán tựa tuồng sắp diễn đến bàn cách giành chỗ tốt. Loáng cái mấy tàu dừa bị chặt đứt rơi phịch xuống. Tàu lá chuối tươi hoặc khô cũng bị xén gọn, kéo lê vào một góc. Mấy tờ báo cũ được phủ sạch bụi. Tấm ny lông rách lỗ chỗ được đem ra giặt sạch, phơi khô, xếp gọn. Tất cả chờ tối. Chúng sẽ được thay chiếu, lót chỗ ngồi. Vài đứa rỗi việc, chạy tuốt đến nơi đoàn văn công tạm trú để xem mặt đào kép, trố mắt nhìn họ ăn uống, nằm ngồi. Thậm chí khi họ đi ... cầu cá cũng tràn theo. Chúng đeo theo nghệ sĩ như ruồi bu miếng mật. Dù những nghệ sĩ ấy rất quen thuộc với chúng. Phần lớn là người trong xã có chất giọng tốt hoặc yêu thích văn nghệ, xin vào đoàn văn công ca cổ nầy. Tay nghề của họ không cao lắm, thỉnh thoảng vẫn bị “hố” khi diễn như ca rớt nhịp, chưa kịp xuống giọng đã đứt hơi hoặc đang nói lối thì quên câu kế tiếp. Tuy nhiên, khán giả cũng đễ dãi. Người nhà đó mà! Họ cười nghiêng, cười ngã rồi...quên. Và, họ tiếp tục yêu mến, mong đợi buổi diễn khác.

    Riêng nhóm thanh niên chúng tôi có vẻ trầm tĩnh hơn cả. Người nào cũng làm việc bình thường. Nhưng nếu tinh ý sẽ nhận ra dưới mặt hồ yên tĩnh ấy là những đợt sóng ngầm đang chờ giờ cuồn cuộn. Mấy cặp “đào kép đời thường” tìm cách bẹo hình bẹo dạng nhau. Người nầy đợi người kia ngõ lời mời đi xem hát. Nhóm con trai buổi chiều tắm táp kỹ càng hơn. Miếng sơ dừa được dịp trưng dụng tối đa. Nó tha hồ chạy trên tấm lưng trần to như tấm thớt rồi vòng quanh bụng, đi dọc ống quyển, lần xuống đôi bàn chân để cuốn sạch những lớp hồm hố, cáu ghét thâm căn cố đế. Đôi dép đặt dưới góc tủ được lôi ra chà rửa sạch sẽ. Vài anh đỏm dáng còn tỉa tót mặt mày đầu cổ, vừa nhổ râu vừa cười tủm tỉm với...mình trong gương.

    Cánh con gái kín đáo hơn nữa. Họ len lén mở nắp rương quần áo ra nhìn và lựa chọn. Tần ngần chẳng biết mặc áo màu tím lục bình hay vàng hoa cúc, màu hoa ô môi hay sắc đỏ trời chiều. Các cô ướm thử rồi ngắm mình trong gương, nghiêng đầu làm dáng, chúm chím cười duyên. Hai má cứ hồng lên từng chặp khi tưởng tượng “ người ấy” sẽ nhìn mình đắm đuối.

    Tôi chưa có người yêu nhưng cũng vội vàng gội tóc. Tôi lén mẹ hái một ít hoa bưởi thả vào thau nước trong veo với hy vọng hương hoa sẽ đọng lại trong từng sợi tóc. Tôi chỉ có một chiếc áo đẹp nên khỏi mất công chọn lựa. Tôi đem áo lụa ra phơi. Ánh nắng làm cho sắc áo nhạt hơn. Màu mỡ gà bấy giờ tựa vạt nắng phai. Thế nhưng đêm về, dưới ánh trăng, màu áo của tôi lại sậm hơn và những cánh hoa trên vải nổi bật, lấp lánh, óng ả. Mặc áo này, tôi biết mình xinh xắn hẳn ra nhưng ít khi dám mó tới vì sợ nó mau cũ. Tôi cất kỹ trong rương, dành khi hội hè, đình đám. Tôi lăng xăng “ chưng dọn, sửa sang” tay chân, mình mẫy rồi đi ra chỗ trình diễn của đoàn văn công.

Tưởng mình đến sớm nhất nhưng tới nơi mới biết còn chậm chân. Trước cái sân khấu lộ thiên, khán giả đông nghẹt. Dường như dân trong xã kéo rốc ra đây xem hát. Kẻ đứng, người ngồi, tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi nhau ...tạo thành một âm thanh vui nhộn chưa từng có ở một nơi hẻo lánh thế này. Chỗ tốt đã bị giành hết. Sân khấu cách xa nơi tôi đứng khá xa. Như vậy sẽ khó thấy. Chưa kể, đến màn gay cấn khán giả đứng cả dậy thì hết phương. Trừ khi tôi trèo lên nhánh cây cao.

 Vừa lúc đó có tiếng gọi: “ Nhạn”.

    Giật mình quay lại, tôi bắt gặp khuôn mặt tươi tỉnh của Phi Quân Sĩ. Hồi sáng, anh vào xóm mượn một ít bàn ghế dùng kê sàn diễn. Nhà nào cũng sốt sắng đưa cho anh mượn một hai cái bàn. Ba tôi cũng vậy. Ông vác cái bàn duy nhất trong nhà cho anh mượn. Đã vậy, ông còn mời anh ở lại ăn cơm trưa. Thấy cảnh tôi trải chiếu dưới đất để dọn cơm, Phi lúng túng vác bàn đem trả. Ba tôi la om sòm. Ông bảo nếu Phi từ chối thì ông sẽ khiêng hết mấy cái giường ra cho mượn luôn. Túng thế, Phi phải nhận lời. Anh về đoàn, lát sau trở lại với chai rượu thuốc, biếu ba tôi. Ông già cảm động quá trời, bảo anh ngồi uống trà chờ ổng kiếm mồi nhậu. Tội nghiệp mấy con gà! Chúng bị ba tôi rượt chạy tán loạn. Ông đổ cả mồ hôi trán mà không tóm được con nào. Bực quá, ông bắt con gà mái đang ấp đem đi cắt cổ. Ông với Phi hè hụi nấu nướng rồi cùng nhau thù tạc, chén thưởng, chén phạt một hồi. Chai rượu vơi quá nửa Phi đỏ mặt tía tai như dậm phấn hồng hơi dầy. Có lẽ anh đã say, anh bắt đầu huyên thiên, thổ lộ nỗi lòng của mình:

    Giặc giã tràn lan. Thanh niên trong làng xung vào du kích. Phi cũng đi theo. Anh định phen này sẽ ra trận, bắn gục vài tên giặc, kiếm dăm ba cái huy hiệu anh hùng đeo chơi. Nhưng khi giáp trận anh vỡ lẽ. Muốn trở thành anh hùng quân đội đâu phải dễ. Phải gan dạ, thông minh và bắn đâu trúng đó. Đằng nầy, từ cha sanh mẹ đẻ đến giờ, Phi có cầm súng hồi nào đâu. Nghe tiếng súng đã hết vía, chỉ muốn chui tọt xuống hầm trú ẩn. Trông thấy đạn bay ngang mặt liền nhắm nghiền hai mắt. Bóp cò loạn xạ. Hết đạn, chẳng có tên giặc nào ngã gục. Sau đó, Trung đội trưởng thấy Phi còn quá trẻ, hỉ mũi chưa sạch, ông phân công cho Phi lo việc hậu cần. Từ đó, tối ngày anh tối mắt, tối mũi với lửa khói...bếp. Phi an phận làm anh nuôi. Cũng không dễ gì. Vừa nấu ăn vừa đánh giặc, kiêm luôn tìm thực phẩm. Có khi đang nấu cơm thì có trận càn của địch, Phi phải ôm nồi cơm ... chạy. Bỏ lại thì sợ anh em bữa đó nhịn đói. Có lúc lương thực cạn queo, Phi phải đào cũ chuối, bắt ốc, hái rau, câu cá... để nuôi quân. Đến khi đoàn văn công ghé ngang qua chỗ đóng quân, Phi mê quá, anh xin thủ trưởng cho chuyển ngành. Thời giặc giã, cái chết kề bên. Mọi việc được giải quyết nhanh chóng theo nguyện vọng của anh em. Vậy là Phi bắt đầu đi theo đoàn. Anh tiếp tục nhiệm vụ...anh nuôi nghệ sĩ. Thỉnh thoảng, anh cũng được lên sân khấu đóng vai...quân sĩ. Phi kiêm luôn trưởng ban dọn dẹp sân khấu. Công việc tuy vất vả nhưng Phi hài lòng lắm. Dù sao đêm nào anh cũng được coi hát khỏi trả tiền. Đã vậy, Phi còn được ăn chung mâm, ngủ chung mùng với kép chánh. Lâu lâu, gặp trận càn bất ngờ, Phi cũng được cầm lại cây súng mà bắn địch. Tính ra tiện lợi nhiều bề.

    Đêm nay, có lẽ vì nhớ ơn ba tôi đã ra công chiêu đãi, Phi tìm cách đền đáp. Anh dẫn tôi đi vòng ra sau “hậu trường”. Anh bảo tôi leo lên sân khấu, ngồi sau “ cánh gà” được che tạm bằng mấy tấm lá vàng bạc ghép lại. Ở đó, tôi có thể nhìn rõ từng cái nhăn mặt, nhíu mày của đào kép, thấy không sót nhưng lúng túng của họ khi quên tuồng bất ngờ. Tôi phục sát đất là đào Thiên Kiều. Cô đẹp lộng lẫy trong vai Tây Thi. Tà áo có gắn kim tuyến lấp lánh dưới ánh đèn măng-sông sáng choang. Tây Thi ca vọng cổ mùi chưa từng thấy. Tôi cứ phải lau nước mát từng hồi. Gần đến màn chót, bổng dưng Thiên Kiều bị...sốt rét. Cô run cầm cập. Người trong đoàn phải lấy mấy cái chăn trùm kín mà cô vẫn ...lạnh run. Trưởng đoàn phải cáo lỗi và xin khán giả giải lao mười lăm phút để chờ Tây Thi bình phục. Nhưng hết lạnh, nàng lại chuyển sang nóng. Chẳng lẽ cho vãn hát trong khi đoạn cuối nầy, Tây Thi phải ca sáu câu vọng cổ rồi theo Phạm Lãi về nước là xong. Trưởng đoàn chạy tới chạy lui như gà mắc đẻ. Sơ ý, vấp phải tôi. Ông lăn cù trên sàn diễn. Tôi hoảng vía, sợ ông nổi nóng mắng cho một trận. Nhưng ông lồm cồm ngồi dậy, như bắt được vàng, ông reo lên:

    - Đây rồi, đây rồi!

Ông nắm lấy bàn tay tôi rồi nói với Phi:

    - Nè, Phi quân sĩ, anh cho tôi mượn cô bé này đóng vai Tây Thi màn cuối nghe!

Tôi kinh hải kêu lên:

- Trời ơi, con đâu biết ca vọng cổ. Chú kêu mấy chị khác đi.

Ông khoát tay lia lịa:

    - Đừng lo! Bỏ, bỏ, bỏ mấy câu vọng cổ. Cháu khỏi lo. Chỉ cần mặt áo Tây Thi, cháu đi ra, đứng quay lưng về phía khán giả rồi đưa hai tay lên trời và nói lối như thế này này.

Ông vừa nói vừa điệu bộ:

- Phạm Lãi chàng ôi...! Khói lửa ngút trời, tang tóc phủ trùm vạn vật. Biết thiếp có còn gặp lại chàng chăng?

Ông quay nhìn tôi:

- Phi sẽ đóng vai quân sĩ của địch, dùng gươm đâm lén Tây Thi. Cháu gục xuống vầy nè rôi tắt thở. Lúc đó, Phạm Lãi xuất hiện, chàng ta sẽ kêu lên “Trời....ơi! Tây...Thi...! Tây...Thi...nàng đã...chết! Phạm Lãi sẽ bồng Tây Thi rồi thống khổ kêu lên” Tây Thi nàng ôi! Ta sẽ đưa nàng về đất Việt và suốt đời sẽ làm kẻ giữ mộ cho nàng.

Ông xua tay:

- Xong, khỏe re!

Nhưng Phi phản đối, anh không chịu cho kép Hùng Dũng bồng tôi với lý do “ Sợ ba tôi rầy” và coi chừng Thiên Kiều ghen. Túng thế, ông bầu đành để Phi thay Hùng dũng thủ vai chính, còn Hùng Dũng thì biến thành quân sĩ.

Người ta kéo tôi vào trong, lấy phấn đánh lên đôi má rám nắng của tôi. tô một lớp son đỏ thắm lên đôi môi tôi, đặt vương miên lộng lẫy lên đầu và khoát cho tôi chiếc áo Tây Thi rồi...xô tôi ra sân khấu.

Tôi chới với, suýt chút nữa phát khóc vì sợ. Ôi, bao nhiêu cặp mắt đang nhìn chòng chọc vào tôi. Có vài câu xì xầm vang lên!

- Tây Thi màn này lạ... mà đẹp!

- Ủa, sao quen quen !

- Đẹp quá !

Tưởng như hồn mình bay bổng tậng chín tầng mây. Tôi sung sướng lượn vài vòng trên mặt...mấy cái bàn làm sàn diễn rồi ngữa mặt , đăm đắm nhìn bầu trời đầy sao, tôi kêu lên:

- Ôi hỡi các vì sao, hỡi ánh trăng huyền diệu! Hãy soi rõ đường cho ta tìm gặp được chàng! Phạm Lãi chàng ôi! Chàng ở đâu? Chàng ở đâu?

Và tôi khóc. Một lúc sau, khi xúc động đã lắng xuống, tôi gào lên:

- Chàng ôi! Thiếp đâu còn xứng đáng với chàng nữa, một người anh hùng của nước Việt quí yêu!

Tôi gục xuống. Có tiếng chắc lưỡi trong hậu trường:” Trời, tuyệt quá!” Vừa lúc đó, kẻ gian lẽn vào, hắn chém một nhát ...nhẹ hều vào lưng tôi. Tôi kêu lên:”Á...” và ngã vào đôi tay rắn chắc của...Phi Pham Lãi vừa chạy tới. Anh chàng thở hào hễn như đang vượt dốc. Phi nhấc bổng tôi nhưng anh trở chứng không chịu bồng tôi vào trong cho người ta hạ màn mà lại đi vòng vòng rồi gào thảm thiết:

- Tây Thi nàng ôi, ta sẽ mang nàng đi cùng trời cuối đất. Nơi đó không có chiến tranh, chết chóc mà chỉ có tình yêu.


…..Chúng tôi cười vang, dì Tư cũng cười theo, Trúc thắc mắc:” Rồi sao nữa Dì Tư?”

Dì Tư đỏ mặt kể tiếp:

- Phi gục xuống...để lỗ mũi lên gò má dì mà hít nghe một cái rột.

Như vỡ chợ, tiếng cười ầm ĩ vang lên, tôi nóng nãy:

- Kể tiếp đi dì Tư!

Dì mĩm cười:

- Thì màn hạ. Ôi thôi người ta khen quá trời! Thấy vậy, ông bầu tới nhà xin cho dì theo đoàn hát để phục vụ nhân dân.

Trúc mơ màng:

- Thích quá! Vậy là dì thế chỗ đào Thiên Kiều phải không?

Lắc đầu thở ra, Dì Tư buồn bã nói:

- Đâu mà có. Bữa đó tổ đãi dì diễn hay như thế, chứ chừng chính thức vào đoàn dì mới nhận ra mình chỉ có khả năng...làm “tì nữ” mà thôi. Đó là lần đầu cũng là lần cuối dì được đóng vai chánh.

Dì Tư đi vào trong buồng. Lát sau, dì lấy ra một chiếc áo vương phi cũ kĩ. Màu vàng rực rỡ đã phai nhạt. Những đóa hoa kim tuyến đứt đoạn, rời rạc, không còn sức quyến rũ. Chiếc áo gợi nhớ về quá khứ xa xăm và nỗi buồn trước cổ xe thời gian chở theo thanh xuân và hy vọng. Chiếc áo đánh dấu kỷ niệm ngọt ngào và là nhân chứng của tàn phai, phiền muôn.

Dì Tư nhìn về phía chân trời, giọng đượm buồn:

- Đây là chiếc áo Tây Thi ngày ấy. Trước khi chết vì trúng đạn pháo của địch, Thiên Kiều đã tặng lại cho dì. Cô ấy muốn dì tiếp nối đoạn đường còn lại. Nhưng dì đã phụ lòng mong đợi của Thiên Kiều. Dì yêu sân khấu nhưng không có khả năng diễn xuất. Khi cuộc chiến trở nên khốc liệt, một số nghệ sĩ trong đoàn hy sinh. Đoàn rã gánh. Dì trở về quê cũ cho đến giờ.

Tôi gạn hỏi:

- Còn Phi Quân Sĩ thì sao hả đi ?

Dì Tư phì cười, chỉ về phía chồng con:

- À, còn Phi Quân sĩ thì theo dì về đây đóng vai ...cha của lũ nhỏ nhà nầy nè. Dì Tư mang chiếc áo ra sân phơi nắng. Tà áo Tây Thi phất phơ trong gió chiều. Có tiếng thở dài não nuột. Tôi bồi hồi nhin mặt trời chếch bóng phía xa mà tưởng tiếc thời vàng son nào xa khuất.