Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







CÂU CHUYỆN XỨ THẦN TIÊN





   H ạnh phúc: ý niệm hay trạng thái? Có những tình huống đáng băn khoăn như vậy. Và đối mặt với nó con người nên chọn lựa. Chọn lựa ở đây là  cách sống ngôn ngoan. Định đạt giới hạn là một cách tránh đi những chiếc miệng hố để khỏi vấp ngã đau đớn. Vì một cuốn sách sẽ được giới thiệu dưới đây mà bỗng dưng tôi nghĩ rằng có một số chủ đề mà có lẽ chúng ta phải phân tích tỉ mỉ hơn để khỏi có chuyện cãi vả dài dòng. Cuốn sách có tựa đề Sung Sướng Như Một Người Đan-Mạch (Heureux Comme Un Danois) vừa chào đời, do một nhà xuât bản Pháp tung ra  –nhà Grasset, vì sách viết bằng Pháp ngữ, dù do một tác giả người Đan Mạch viết.

  Chỉ bởi cái tựa. Nó quả quyết, như một tuyệt đối. Thế là mọi người nhao nhao tranh luận. Phần nhiều tỏ ra nghi ngờ. Vì cuốn sách được viết thẳng bằng Pháp ngữ, nên có nhiều người Pháp đọc và lên tiếng phản đối hoặc đặt nghi vấn. Tâm tính người Pháp là vậy. Từ nhiều năm qua người ta nhận định rằng  người Pháp bi quan. Sự đó được thể hiện qua các cuộc thăm dò về nhiều chủ đề, mà rồi chủ đề nào cũng dẫn tới kết luận là họ không còn tin cậy vào đâu nữa cả : chính trị, khoa học, xã hội, tôn giáo… Trong khi điều kiện sống của họ so với điều kiện sống của nhiều dân tộc khác nếu không trội hơn thì cũng đồng đều chứ chưa đến chỗ thua kém. Thế thì tại sao chứ? Oái oăm hơn là họ tự cho là họ không hạnh phúc nhưng nếu có kẻ khác bảo rằng xứ anh ta hạnh phúc hơn thì lập tức người Pháp gân cổ cãi, cố chứng minh rằng anh ta không thể nào hạnh phúc hơn …người Pháp được !  

Nhưng khoan đã, xin hãy nghe kể về nội dung cuộc tranh biện, nó sẽ chứng minh phần nào điều tôi vừa nói đây. Trong thời gian nghĩ hè ở miền nam nước Pháp, tác giả cuốn sách, bà Malene Rydahl, tình cờ là khách được mời dự một bữa cơm thịnh soạn trong khung cảnh thần tiên. Thực khách là những người thuộc giới sang cả nên đề tài đề cập đến cũng toàn là những câu chuyện lý thú. Thình lình có người biết đến tác giả nên gợi ý về cuốn sách bà viết. Một ông bèn lên tiếng : “tại sao đặt tựa như vậy? Tôi không thấy có gì đặc biệt nơi xứ sở bà để có thể mang hạnh phúc lại cho người dân”. Nữ tác giả tìm cách giải thích lý do –có vẻ hơi xa lạ đối với người đặt câu hỏi, bởi tâm tính mỗi bên mỗi khác, rằng người công dân Đan Mạch có lòng tin cậy lẫn nhau (chẳng phải là một may mắn lớn sao?) và cũng có sự tin tưởng đối với các qui chế do xã hội thiết lập (lại càng quan trọng hơn!) ; họ cũng có thiện chí muốn tham dự vào các dự phóng của cộng đồng nhằm cung ứng lợi ích chung ; hệ thống giáo dục của họ nhằm xây dựng  đời sống cá thể nhưng là giúp những người này tìm được chỗ đứng trong xã hội chứ không nhằm chạy đua tranh giành cái địa vị xuất sắc nhất. Nơi xứ bà người ta  không tìm cách để trở nên “tinh hoa” nhưng là đạt hạnh phúc đồng đều cho tất cả… Rồi bà thêm (chỗ này bà đã phạm lỗi lớn đối với quan điểm của đa số những người đang nghe bà) rằng để thực hiện các lợi ích công cộng sự đóng góp của người dân dưới hình thức thuế khóa do đó, rất cao (hầu như cao nhất) : gần 60% lợi tức kể về các thành phần có thu nhập từ 52 000 euros/năm trở lên. Chắc chắn đa số độc giả cũng đoán biết phản ứng của ông nọ. Đồng bào của ông càng lúc càng ta thán dữ dội về nạn đóng thuế. François Hollande  mới làm được phân nửa nhiệm kỳ lãnh đạo nhưng mức độ tín nhiệm của cử tri đã trụt tới mức thê thảm : 16% cử tri ủng hộ ông, một kỷ lục chưa hề thấy trong suốt thời kỳ đệ ngũ cộng hòa. Một trong những lỗi lầm của Hollande là chưa thực sự trúng cử tổng thống đã dọa nạt đánh 75% tỷ lệ tiền thuế trên những đống bạc bề bộn của những gia tài bộn bề. Lý lẽ của ông nọ : “Chẳng ai muốn đóng thuế cho người khác hưởng” (trừ người công dân Đan Mạch, tất nhiên ; nhưng hành động ưng thuận của người Đan Mạch cũng kèm điều kiện là đồng tiền do dân đóng góp có được sử dụng hợp lý và hợp pháp không. Cái khác nhau ở đây là cách thế tiêu dùng nguồn tiền : người Đan Mach hân hoan là phải mà người Pháp kè nhè không chịu cũng có lý không kém.) Có tới hai điều mà ông nọ bất ưng : không muốn đóng thuế để nuôi kẻ khác (người ta muốn ám chỉ thành phần di dân, đa số là người bắc Phi, gia đình đông, việc không có hoặc không muốn làm những công việc cực nhọc, sống trông nhờ vào các khoản phụ cấp xã hội) và nếu không có thành phần tinh hoa thì làm sao xây dựng đất nước hữu hiệu được?

  Bây giờ ta trở lại câu chuyện xứ thần tiên Đan Mạch. Một tổ chức quốc tế làm một thử nghiệm : dùng những  số tiền tương đối có ý nghĩa (trong thi dụ ở đây là khoảng 50 euros) bỏ vào túi có ghi rõ tên và địa chỉ người chủ, ném ra đường làm như chủ nhân sơ ý đánh rơi. Trong thành phố có 200 000 dân có tên là  Aalborg thuộc Đan Mạch những món tiền bị đánh rơi ấy đã được thu về đầy đủ trăm phần trăm. Thường tỷ lệ thu về trong những quốc gia khác là khoảng trên 50%, trừ một số đặc biệt còn thấp hơn như Mễ-Tây-Cơ, Trung Quôc, Ý-Đại-Lợi, Nga… Việc này xảy ra đã lâu. Có sự việc mới hơn : trong một siêu thị, một người đàn ông đã nhặt được tấm giấy 200 euros trong hàng bán quả su, ông bèn mang đưa cho người thu tiền. Đến chiều, có người đàn bà đến hỏi xem có ai nhặt được hai trăm của bà không vì bận lựa quả su bà đã bỏ quên tiền ngay nơi ấy. Và như thế có ba người dân Đan Mạch hạnh phúc : một người hạnh phúc vì tìm lại được đồng tiền bỏ quên, một người hạnh phúc vì đã trả lại đông tiền người khác đánh rơi và người thứ ba hạnh phúc khi thấy rằng dân tộc mình sống ngay thẳng, như thế họ có thể tin cậy lẫn nhau được!

  Với lòng bình tĩnh suy xét, ta thấy quả thực có những điều khiến người dân Đan Mạch đáng phải tự lấy làm kiêu hãnh. Từ đó họ có thể cảm thấy sung sướng khi sống trong xứ họ. Bà Rydahl làm cuộc phân tích và nhặt ra mười điều đáng ghi nhận. Có những điều người đọc không hoàn toàn tán thành, có những điều khác người đọc ngần ngừ đặt thêm điều kiện để có thể tiến đến thoả thuận và có những điều khác nữa, rõ rệt khiến ta không thể phủ nhận vì chúng có một giá trị hết sức phổ quát. Giá trị căn bản đầu tiên không ai có thể phủ nhận được là lòng tin. Không phải lòng tin thiêng liêng thần thánh mà lòng tin đặt ra giữa con người với con người. Hai thí dụ kể ra ban nãy chứng minh cho lòng tin đó. Nếu những ví tiền ở làng Aalborg không được người nhặt mang trả đầy đủ, nếu ông nọ “quên” không chịu đưa lại tờ giấy hai trăm mà bà lựa  khoai bỏ quên làm sao ta có thể tin được nhau? Ở Đan Mạch  người ta không khóa xe đạp bỏ bên lề đường, bố mẹ thản nhiên ngồi uống cà phê và tán gẫu mà chẳng băn khoăn về an ninh của  đứa bé sơ sinh giao cho người giữ hộ, bất cứ người dân nào nếu cần đều có quyền soát xét sổ sách chi thu của các tô chức cộng đồng  xem thử có thiếu cắc bạc nào không, nên vấn đề tham nhũng không hề được đặt ra. Một viên chức cao cấp khi đang ở ngoài phố quên không mang theo chèque riêng của mình đã dùng  thẻ tín dụng của cơ quan nơi ông phục vụ, mua món quà tặng vợ (chắc chắn là món tiền không to lắm), định bụng khi về sẽ trả lại nhưng chưa kịp thì bị phát giác : ông này phải tuyên bố từ chức. Một cuộc thăm dò cho thấy đến 80% người Đan Mạch sẵn sàng đặt lòng tin cậy vào đồng bào của họ trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là 25% (e rằng 25% cũng còn là nhiều đấy!) Chúng ta, những kẻ thiếu lòng tin cậy vào đồng loại, hầu hết chưa hẳn đã là người xấu ; nếu mang tôi đến xứ Đan Mạch chắc tôi cũng sẵn lòng bỏ xe đạp không khóa bên đường. Thế nghĩa là… không phải lỗi tại tôi mọi đàng. Và tôi cũng có thể được coi là người …tốt chăng (sướng quá đi mất)?

Tuy nhiên tinh thần cá nhân chủ nghĩa không vì thế mà bị đàn áp đến chỗ triệt tiêu (như lý thuyết –chứ không phải như thực tế– áp dụng ở các thiên đường cộng sản) ; nó vẫn được phát triển nhưng phát triển một cách hài hòa (điều này quả là hơi khó) do chỗ ý niệm dân chủ (bình đẳng) tiềm tàng trong họ đã không cho phép họ lấn chen nhân danh cái tôi một cách quá đáng. Kết cục trong tinh thần đó nảy sinh ra miếng vàng ròng : lòng đoàn kết tương trợ của cá nhân đối với toàn khối. Họ đi ngòng ngoèo nhưng họ đạt tới cái mà người cộng sản luôn luôn oang oang ngoài cửa miệng : mọi người vì ta và ta vì mọi người. Trẻ em Đan Mạch kể từ tuổi 13 đã bắt đầu tháo vát kiếm việc làm để tự túc ; có tự túc tự lập thì mới tin tưởng được  ở chính mình. 70% các em tìm được việc làm: phân phối báo chí lúc sáng sớm trước giờ đi học, làm thuê cho các gia đình trong việc giữ em, lau dọn nhà cửa ngày cuối tuần, như thế các em có tiền riêng để tiêu dùng không quá tùy thuộc vào bố mẹ. Tinh thần ấy cho phép các em có niềm tin vào khả năng tháo vát của mình và đồng thời tin cậy vào sự giúp đỡ của xã hội lúc ngặt nghèo mà không có mặc cảm ăn bám. Cả hai nguyên tắc trên đây sẽ được bổ sung bằng nguyên tắc thứ ba như hậu quả tất yếu là tinh thần trách nhiệm. Nếu chỉ hưởng thụ lòng tin của người chung quanh, ý thức trách nhiệm của người chung quanh, kỷ luật và lao động của đám đông để mình khoanh tay với an toàn thì sự có mặt của mình cũng vô vị. Mọi người xắn tay áo thì ta cũng xắn tay áo. Âm thầm. Vì sao âm thầm ? Vì điều đó chẳng có gì đáng hãnh diện. Chỉ là nhiệm vụ thôi…  Có thể đẩy suy nghiệm chúng ta đi xa hơn một chút : người dân Đan Mạch không chờ đợi việc làm của nhà nước hơn là ý thức tương trợ của đồng loại. Chúng ta đã biết rằng nguồn trợ cấp xã hội tại những quốc gia Bắc Âu khá rộng rãi, cao hơn bất cứ xứ sở nào, nhưng không vì vậy mà mọi người dân ào ào bỏ việc làm để hưởng trợ cấp dù trong nhiều trường hợp số tiền trợ cấp còn cao hơn tiền kiếm được nếu làm những công việc đơn giản.

  Bây giờ là lúc ta nhìn mặt trái của chiếc mề đai. Cuộc bầu cử đại diện vào hội đồng Âu châu mới đây có khá nhiều những tổ chức cực hữu được bình chọn. Chúng tôi ở ngay trong lòng nước Pháp nên có lẽ hiểu được phần nào tâm trạng cử tri nơi này [[1]], nhưng ở những quốc gia khác nhất là tại các quốc gia mà ý thức trách nhiệm của người dân có phần cao hơn như Đan Mạch thì quả là một câu hỏi hóc búa. Tuy nhiên, với một số nét tổng quát, ta có thể rút ra một vài lý do chính để biết tại sao công dân Đan Mạch đã dành số phiếu tín nhiệm đáng kể bầu cho đảng cực hữu (Parti du Peuple Danois, có nhiều quan điểm gần gũi với cực hữu Pháp) –đến 26,6% phiếu. Những chủ trương chính của nhóm chính trị này gồm chủ trương bảo vệ chủ quyền quốc gia e ngại sự can thiệp quá sâu của liên hiệp Âu châu (LHAC) [[2]] và sự hiện diện của dân di cư thuộc các quốc gia Hồi giáo vừa khác nguồn gốc văn hóa lại vừa khiến quỹ an ninh xã hội thâm thủng. Có những phản ứng thuộc loại quá quắt của một dân tộc vốn được tiếng có ý thức trách nhiệm, có tinh thần đoàn kết tương trợ như trường hợp năm 2013, một thanh niên dám dõng dạc lên tiếng là mình đã từng sống mười năm ăn bám xã hội, được mệnh danh là “chàng Robert lười biếng”. Một phản ứng loại đó có khả năng cảnh cáo cộng động để chính cộng đồng phải nhận thức được rằng xã hội được xây dựng tốt đẹp cũng có thể tan vỡ dễ dàng nếu thành viên trong cộng đồng không tuân thủ mọi luật lệ mà nhờ nó xã hội càng ngày càng tốt đẹp hơn lên.

Ngoài ra xã hội Đan Mạch dù sao cũng chẳng phải là một xã hội mưòi phần hoàn hảo. Tuy người dân không đặt nặng giá trị vật chất (tin tưởng lẫn nhau và tinh thần bình đẳng là hai yếu tố quan trọng bậc nhất dưới mắt người dân) nhưng việc sử dụng tiền bạc khá phân minh –phải nói là quá phân minh nên nhiều khi mất “đẹp”, chẳng hạn giữa nam và nữ đi ăn với nhau mạnh ai nấy trả tiền. Nữ tác giả cuốn sách kể rằng có lần bà đi ăn với bạn trai, tất nhiên việc trang trải bữa ăn mạnh ai trả phần nấy và người bạn đánh xe đưa bà về nhà. Khi đến nơi, anh ta …chìa tay đòi chia đôi tiền xăng (một cách lễ phép) ! Một người khác rủ đi xem hát bóng, người đàn bà đề nghị trả lại tiền mua vé, và anh ta thêm : “còn tiền đậu xe nữa, mà thôi, bận này tôi xin tặng bạn vậy, mà bận sau thì…”. Bạn dẫy nẫy ư ? Đâu có sao. Một xã hội đẹp đến vậy chuyện kia chỉ là một tì vết nhỏ mà. Chiếc nhẫn hột xoàng bạn đang đeo chắc gì không có rác ?

***

Một hôm tôi đang ở Luxembourg. Luxembourg chưa phải Đan Mạch, nhưng dường như càng đi về phương bắc thì người dân càng có ý thức về lợi ích tập thể cao và do đó tinh thần kỹ luật cũng cao. Trời đã quá khuya, chừng như quá nửa đêm. Tôi đứng ngang đường định băng sang bên kia ngay nơi có đèn xanh đèn đỏ. Tôi là công dân Pháp, quen cách sống vô kỷ luật (bộ nói thế hơi nặng chăng - nên chữa lại rằng họ xuề xòa hơn các dân tộc văn minh khác) của  người Pháp. Nhìn trước nhìn sau không thấy xe, tôi xăm xăm băng sang mặc kệ đèn đỏ. Người đàn bà bên tôi nắm tay tôi kéo lại, tay chỉ ngọn đèn ý chừng tưởng tôi lơ đảng không chú ý. Bài học này chỉ ra cho tôi hiểu rằng những con người có giáo dục khi hành động không cần con mắt người khác canh chừng. Đạt được tới trình độ tự giác có lẽ chúng ta đã ngấp nghé bực cấp bước vào thiên đường! Suy ra thì người Đan Mạch cho rằng họ sung sướng cũng phải lẽ thôi. Sung sưóng ở chỗ bớt phải đương đầu với cái xấu, ít ra là cái xấu thường thấy của loài người --như trường hợp bất chấp đèn đỏ giao thông của tôi.    

lược thuật và thêm thắt

[1] Tình trạng hiện nay : tả (cầm quyền) bất lực, hữu thì đang rất lộn xộn, không người lãnh đạo xứng đáng, đang chịu scandale về tiền bạc nên cử tri tỏ ra mất hướng đổ xô bầu cho phe hữu cực đoan như hành động cảnh cáo
[2] Chuyện về 1 sinh viên thuộc thành viên một quốc gia Âu châu khác đệ đơn xin học bổng và bị từ chối, và chính LHAC đã can thiệp đòi chính quyền Đan Mạch phải chấp thuận, điều này khiến người dân Đan Mạch cảm thấy bị áp lực quá lớn


. Cập nhật theo nguyên bản của tác gỉa đã chuyển từ Côte d'Azur - Pháp ngày 24.7.2020 .