Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







THƯƠNG LẮM MẸ TÔI




    Đ ến tháng tám năm nay, mẹ tôi được 59 tuổi. Với cái dáng cao cao ấy, trông mẹ dày dạn hơn, tóc đã lấm tấm sợi bạc, nhưng nét tươi trẻ thầm kín, luôn phảng phất trong nụ cười ấm áp của bà. Mỗi lần bên mẹ, tôi cảm thấy lòng mình như lặng yên thanh thản, được che chở bởi khoảng mát rộng lớn của cây đa, của hàng tre nơi quê nhà thời nhỏ.

Những đêm trăng sáng, hay những ngày mưa lạnh, mấy chị em tôi thường ngồi bên rổ khoai lang luộc, cùng ăn, cùng vui cười, nghe mẹ nhắc kể lại cuộc đời mình - từ thuở còn hồn nhiên, thơ trẻ, cắp sách nhí nhảnh cùng bạn bè đến trường làng, trường huyện, cho đến ngày rời khỏi tuổi mộng mơ, chập chững bước vào đời sống, với bao truân chuyên vất vả, trong không khí đầm ấm yêu thương. Chúng tôi ngóng cổ đón nghe giọng trầm trầm, có khi bật lên cười giòn dã, có khi cúi đầu che giấu những giọt nước mắt. Từ những đêm sum họp trong khoảng sân nhỏ trước hiên nhà ấy, chị em tôi thương mẹ nhiều hơn, gần gũi mẹ hơn, luôn thầm cầu mong sẻ chia cùng mẹ mọi nỗi vui buồn sau này.

Thời tiểu học, mẹ tôi sống ở quê. Trò chơi tuổi thơ của mẹ là những chiếc chong chóng thắt bằng lá dứa, những cánh diều làm bằng giấy vở học trò, cùng lũ bạn trong xóm vui đùa trên cánh đồng sau mùa gặt trong những chiều lộng gió. Niềm ước mơ tuổi thơ của mẹ là những chùm dú dẻ thơm vàng, những trái chiêm chiêm đỏ mọng, những trái keo vừa ngọt vừa chát - đã in trong lòng mẹ những kỷ niệm sâu đậm về quê nhà, khiến tâm hồn mẹ luôn tươi trẻ, giản dị như những trái keo trước ngõ, đi đâu xa vẫn luôn nhớ, muốn quay về.

Lớn lên chút nữa, mẹ tôi cùng những người bạn trong lớp đèo nhau trên xe đạp về miền quê của bạn nào đó, để vui chơi, hái xoài, hái ổi, dưa leo trong những ngày được nghỉ học. Áo dài thì cột hai tà áo lại, quần buộc dây thun cho khỏi bị « sên cạp » và nhất là mỗi lần xe đổ xuống dốc là cả nhóm cùng la “ép vô, ép vô”, rồi cùng nhau chà chân xuống đất, cười giòn dã. Mẹ kể lại những chuyện tưởng nhỏ nhặt ấy, nhưng trên nét mặt hân hoan của mẹ, tôi như thấy một niềm say mê, hoài niệm quý báu, không thể nào quên, như mẹ đang sống lại những tháng ngày hồn nhiên ấy; khiến mấy chị em tôi cười vô tư, như mình cũng đang ngồi trên xe lao xuống cái dốc, chà chân giảm tốc độ như mẹ vậy. Tôi tưởng tượng lúc ấy trông mẹ chắc nghịch ngợm lắm.

Thưở ấy, mẹ tôi luôn mong chờ kỳ nghỉ hè để được về thăm ngoại. Ngoại của mẹ ở thành phố biển, mỗi lần mẹ về thăm, sẽ được dì của mẹ dắt đi chơi, tắm biển, dạo chợ, mua cho đủ thứ đồ dùng học tập và quần áo cho ngày khai giảng đến. Mẹ khoe rằng, sau mỗi kỳ nghỉ hè, bước vào năm học mới - mẹ càng chăm học hơn, bởi đã có tấm áo dài mới, vật dụng đầy đủ, như niềm khích lệ, an ủi lớn. Mẹ đã tự hứa, dặn với lòng mình: “Mình phải mới từ việc học đến suy nghĩ, phải làm sao được nhận bảng danh dự hằng tháng trước toàn trường - đó như là mục tiêu mình phải đạt cho bằng được”. Sau những chuyện kể dầu vụn vặt, nhỏ nhoi đến đâu của mẹ, chị em tôi thầm nhận ra những điều mẹ tôi muốn nhắn nhủ, khuyên răn mình.

Những năm sau 1975 - mẹ hết cơ hội để đi học nữa cho dầu ước mơ được trở thành cô giáo, hay bác sĩ của mẹ vẫn còn đấy, như một nỗi ảm ảnh buồn tủi! Nghỉ học, mẹ về quê làm ruộng. Nỗi nhọc nhằn, vất vả trên cánh đồng ngày ấy với một thiếu nữ yếu đuối như mẹ, đã làm tâm hồn mẹ thêm dày dạn, đau thương. Chúng tôi như đã nhìn thấy những giọt mồ hôi ướt đẫm trên áo, trên mặt, trên tóc của mẹ, khi bà cúi khom người trên cánh đồng hợp tác giữa cái nắng đổ lửa mùa hạ; đã làm trái tim nhỏ bé của mấy chị em tôi đau đớn, đồng thời cũng là một loại thuốc mầu nhiệm tưới mát tâm hồn chúng tôi từ thuở bé. Ngày ngày, từ sáng sớm, mẹ bươn bã ra đồng cùng bà con trong hợp tác xã, với dáng vẻ ngượng nghịu không quen, nhưng rồi cuối cùng mẹ tôi cũng biết cấy lúa, dặm lúa, cắt lúa như một cô thôn nữ thực thụ. Có lần, mẹ đã tâm sự: “Con à! Không có gì người ta làm được mà mình không làm được, miễn biết kiên nhẫn và có ý chí thì việc gì cũng dễ dàng thôi”.

Thời con gái của mẹ tôi không có dịp thư thả, hay hài lòng dầu với chút phấn son, không quần áo se sua, không hề biết quán cà phê là gì. Hết việc đồng áng, lại lo toan chuyện bán buôn để kiếm thêm chút tiền phụ giúp gia đình. Mẹ mua gạo, tất tã theo tàu lửa mang vào Nha Trang bán - hết chuyện buôn bán, mẹ bắt chước người ta đào đất trong vườn, tự làm ra những viên gạch thẻ, bán cho các lò nung, lấy tiền trang trải cho các chi phí trong gia đình. Chúng tôi chỉ nghe mẹ kể lại thôi, nhưng sao tôi như thấy được cả quảng đời tuổi trẻ gian truân của mẹ mệt mỏi, nhọc nhằn quá đỗi. Muốn có viên gạch để bán cho các lò nung, thu từng đồng bạc lẻ; mẹ phải xả đất xuống hầm, tưới nước ủ một đêm, sáng hôm sau dậy thật sớm, bâm nhuyễn chỗ đất đã ủ hôm trước, rồi hốt bỏ lên bờ thành đống to, vuốt cho thẳng thóm. Sau đó, nắn từng cục tròn, rồi bắt đầu in thành gạch. Trải qua nhiều công đoạn, vất vả là thế, nhưng mẹ tôi vẫn làm được - Mẹ tôi nghĩ rằng, những viên gạch do mẹ tôi khổ công làm ra, có thể xây thêm ước mơ cho bao người. Có lẽ, vì có niềm tin, có ước mơ, hy vọng, đã làm mẹ trở nên cứng cỏi, mạnh mẽ hơn chăng?.

Khi tôi học hết bậc tiểu học, vì hoàn cảnh ngày càng khó khăn, mẹ tôi tạm rời xa mấy chị em tôi vào buôn bán giữa ngả ba đèo heo hút. Trước khi đi, nhiều đêm tôi chợt thức giấc, thấy mẹ ngồi cạnh chị em tôi đang nằm ngủ ở giường ngoài, với cái nhìn xa xăm, lo lắng. Tôi là chị cả, đến Tân - em trai tôi, và út Mi - 6 tuổi, được ở nhà ngoại để đi học. Tôi phải chăm lo cho các em, tắm rửa, thay quần áo, nhắc nhở học bài và an ủi út Mi mỗi chiều buồn nhớ mẹ. Tôi thấy mình chín chắn hơn, và hiểu nỗi vất vả của mẹ nhiều hơn khi thay mẹ chăm lo cho các em những ngày vắng mẹ. Tôi biết mẹ buồn lo lắm khi xa chị em tôi, nhưng không biết nói lời gì an ủi mẹ; chỉ âm thầm nhìn lén mẹ mỗi khi mẹ ngồi suy tư, lo nghĩ, rồi sụt sùi thương mẹ trong lòng.

Chủ nhật nào ba tôi cũng về đón chúng tôi vào sống cùng giữa ngọn đèo heo hút, để chị em tôi được gần mẹ. Ba tháng hè ngày ấy, với chị em tôi là những ngày hạnh phúc nhất - được tắm suối thỏa thích, được chạy nhảy, tung tăng khắp đồi núi nơi ba mẹ tôi đang trồng bạch đàn, nuôi cá. Tôi nghe tiếng chim ca trên đồi ríu rít cùng tiếng gà rừng gáy vang giục chúng tôi khi bình minh đã thức, cùng với niềm vui bắt đầu cho ngày mới đang về. Những năm tháng về sau, tôi như thấy thấp thoáng cảnh núi rừng nơi ấy trong những giấc mơ ngắn ngủi - nhớ về những kỷ niệm ngày nào, sao mà thương nhớ quá chừng, dáng mẹ lầm lũi giữa đồi núi quạnh hiu ngày ấy.

Sau vài năm, có lẽ vì lo tôi đã lên cấp ba, phải chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, nên ba mẹ tôi trở về. Gia đình tôi được nhận ba sào ruộng dự phòng của hợp tác xã vừa cấp, sau khi mẹ làm đơn xin cứu xét nộp lên ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp mấy bận. Tôi đau lòng, khi thấy mẹ hằng đêm lặng lẽ ngồi bên chiếc phản ở ngoài mái hiên, vuốt đôi chân trần nứt nẻ, chai sạm, với đôi mắt buồn rười rượi. Những cái móng chân của mẹ tôi phèn đóng vàng chái, có chỗ bị phao chân đen thui thật tội nghiệp. Mẹ lại vừa nấu rượu, nuôi heo, vừa nhận ruộng làm, ngày càng vất vả. Tôi nhớ, mỗi lần chị em tôi được mẹ cho theo xuống ruộng trong những ngày cắt lúa - được nhìn thấy sự nhộn nhịp của ngày mùa, và giúp đỡ mẹ tôi phần nào trong mùa gặt là chúng tôi mừng hết lớn. Chúng tôi được bưng những gọn lúa gom bỏ lại từng đống để người lớn gánh cho nhanh, như mình cũng góp sức làm ra hạt lúa, dù đó là việc lặt vặt để giúp mẹ.

Ngoài những lúc vất vả vì công việc, mẹ luôn dành thời gian để kèm dạy chị em tôi học, vui chơi cùng chúng tôi. Đôi khi, tôi có cảm nhận mẹ như người bạn thân thiết, gần gũi bên chúng tôi. Riêng tôi, khi có buồn vui hay khó khăn gì, đều thỏ thẻ tâm sự với mẹ, để được nhận từ mẹ lời an ủi, thương yêu.

Nhớ sao những chiều mưa ngày ấy, mấy mẹ con tôi vừa lạnh, vừa buồn nhìn mưa rơi tạt ướt mái hiên. Nhà thì dột đủ chỗ, không còn chỗ nào khô ráo, ngoài chiếc giường 1,4 mét mấy mẹ con tôi đang ngồi. Mẹ bày trò chơi hát với nhau, người trước hát dứt ở từ gì, thì người sau phải hát một bài bắt đầu bằng từ ấy; vậy là vui, là cười, quên cả cái lạnh, quên cả cái buồn, cho đến khi buồn ngủ ríu mắt, rồi lăn ra mà ngủ.

Mỗi lần chị em tôi có đứa nào ngã bệnh, bị nóng sốt, nhìn gương mặt gầy khô, ưu tư của mẹ tôi xót cả ruột. Mẹ chạy xuống bếp chụm lửa nồi rượu, rồi vội lên lấy khăn nhúng nước ấm lau con cho bớt sốt - tất tả, lo lắng, thức suốt đêm bên giường chúng tôi. Mẹ ép đút cho được muỗng cháo, muỗng sữa, rồi mẹ mới yên lòng. Nhưng, một tay mẹ công việc vẫn cứ phải làm, con đau vẫn cứ phải chăm, mẹ quay qua, quay lại, tít mù như chong chóng; có lúc tôi nghĩ, hình như trong con người của mẹ, luôn ẩn chứa một sức mạnh phi thường, khó gì có thể làm mẹ gục ngã.

Công việc dồn dập như thế, nhưng mẹ luôn dành cho mình một khoảng thời gian riêng để đọc sách. Đó là thú vui, là niềm đam mê duy nhất mà mẹ tôi đã có từ thời còn đi học, như lời mẹ đã từng nói. Ngày ấy, tôi không hiểu hết, nhiều lúc nghĩ, sao mẹ không nghỉ cho khỏe, vất vả cả ngày còn ngồi còm lưng bên trang sách làm gì cho mệt. Mẹ như đọc được ý nghĩ của tôi, nhìn tôi mỉm cười: “Sách là thức ăn tinh thần rất cần thiết cho đời sống như cơm áo - thiếu sách con người ta trở nên khô cằn, như dòng suối khô không nước vậy con ạ!”. Lớn dần lên, tôi mới hiểu được những điều mẹ đã tâm sự. Có lẽ nhờ những trang sách ấy, mà tâm hồn mẹ dịu dàng, tươi mát, đôi khi tôi thấy mẹ thật hồn nhiên, thơ trẻ, như còn thong dong trong tuổi học trò.

Có lần, tôi đi học vừa về đến ngõ, thấy trước cổng người chung quanh xóm đang nhao nhao bàn tán, mỗi người nói mỗi khác. Mẹ tôi điềm nhiên đứng trong sân nhà nhìn ra, nói lớn:

-Nhà có mặt tiền để ra vào, ông bà xem như chỗ trống, giăng phơi lưới, áo quần bừa bộn như vậy, tôi phải thu dọn lại cho gọn ghẽ, khách khứa, con cái có chỗ ra vào, không biết ơn, còn kéo cả nhà, vợ con đến hành hung người ta là sao?.

-Bà bỏ trống, tôi cứ phơi - người đàn ông hét to, đứa nào dám đụng vô, tao đánh tan xác.

-Đồ ích kỷ! Người đàn bà quơ nắm tay về phía mẹ tôi - Bỏ trống người ta phơi ít đồ, lại đành hanh. Mày dám hốt đồ của bà dồn đống vậy sao?

-Tui đã sang thưa chuyện với vợ chồng bà nhiều lần - mẹ tôi vẫn đứng trong sân, giọng điềm tĩnh, nói hoài như nước đổ lá môn, đâu có ăn thua gì?.

Người đàn bà sấn đến bên cánh cửa, tay cầm khúc cây to, mặt đỏ gay, định phá cánh cửa để xông vào sân. Mẹ tôi đưa ống nước xịt thẳng ra ngoài, bà ta chạy thụt lùi. Người chồng và đứa con trai lại xông vào. Mẹ tôi xịt nước thẳng vào người cả hai. Sau mấy lần như vậy, người phụ trách an ninh khu phố mới đến. Mọi người quanh xóm trầm trồ: “Bà Hai ngó vậy mà giỏi hé, không sợ ai cả. Mấy người hung dữ đó chỉ giỏi ăn hiếp, hù dọa thôi, làm gì có cái chuyện muốn xông vào nhà người ta, làm gì thì làm như vậy được?”.

Tôi chỉ đứng nhìn mà không giúp được gì cho mẹ - một mình mẹ trơ trọi, chống chỏi với ba con người nóng dữ như sói, nhưng trong lòng tôi cảm thấy, mẹ thật tuyệt vời, và thoáng tự hào mình là con gái của mẹ.

Những năm sau, chị em tôi thay nhau vào đại học, tiền học phí mỗi kỳ nhiều quá, mẹ không có đủ để lo cho chị em tôi, đành phải đi mượn, gom lại của nhiều người bà con, bạn bè. Nhìn mẹ neo đơn, khó khổ - tôi đã đôi lần xin phép mẹ đi phụ giúp ở quán cà phê ban đêm kiếm thêm ít tiền, nhưng mẹ trả lời dứt khoat:“Công việc chính của con là học, để đó mẹ lo. Làm, làm cái gì, cuối năm còn nợ môn này, môn nọ là chết với mẹ đó nghe không?”. Thế nhưng, tôi vẫn lặng yên giấu mẹ, đi xin làm “gia sư” kiếm tiền mua những gì cần mua trong học tập của mình, không dám xin mẹ.

Bây giờ, mỗi lần được về thăm nhà, tôi thường thấy mẹ tỉ mỉ chăm sóc những chậu lan treo ngoài cửa sổ; có lúc thấy mẹ trầm ngâm trước những cánh hoa xinh xắn đang khoe sắc kia, rồi mỉm cười trong niềm hạnh phúc. Tôi rất đỗi tự hào và hãnh diện vì được làm con gái của mẹ, và tôi muốn nói với mẹ rằng: “Cả một đời mẹ đã hy sinh vì chúng con, phải từ bỏ mọi ước mơ, hoài bão. Phần đời còn lại, chúng con luôn mong mẹ được sống vui, khỏe, với niềm đam mê bên những trang sách mà mẹ chưa thực hiện được. Chúng con nguyện sẽ xin làm con của mẹ, nếu có kiếp sau mẹ nhé!”.

Thương lắm mẹ ơi!
  
Những ngày đầu tháng 8/2018



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ NhaTrang ngày 09.7.2020 .