Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







ĐIỀU BÍ MẬT



1.


Ngay từ bé, tôi đã mơ hồ cảm nhận mình không giống những bạn bè khác.

Theo lời mẹ, ba tôi mất từ khi tôi chưa sinh ra đời, điều ấy tôi tin được. Bọn thằng Đoàn, con Thi, con Hương cũng thế đấy. Nhưng ít ra, chúng nó còn ông bà và vài người họ hàng bên nội. Tôi thì hoàn toàn không. Mẹ bảo ông bà nội hiếm hoi chỉ có ba là con duy nhất. Và ông bà cũng đã qua đời từ lâu rồi.

Trước hàng trăm câu hỏi của tôi, mẹ chỉ trả lời vắn tắt như thế.

Tôi nghi ngờ có một bí mật gì đó mẹ đang giấu tôi. Ít ra, mẹ phải cho tôi biết ba tên gì, thọ bao nhiêu tuổi và mộ ở đâu chứ? Tờ khai sinh của tôi chỉ có tên mẹ, tôi mang họ mẹ. Cũng không có một tấm ảnh nào để tôi hình dung gương mặt ba. Xấu hay đẹp? Béo hay gầy? Hiền hay dữ? Tôi hoàn toàn mù tịt! Từ khi có trí khôn đến nay, tôi không hề thấy người đàn ông nào bên cạnh mẹ để tôi hy vọng đó có thể là ba mình.

Mẹ càng bao bọc quanh tôi màn sương dày đặc, mịt mờ và lạnh lẽo thì tôi càng háo hức tìm hiểu, quyết hỏi cho tường tận ngọn nguồn. Hỏi ai? Không ai cả! Một vài bạn đồng nghiệp hay những hàng xóm không biết gì về quá khứ của mẹ. Phải, làm sao họ biết được vì mẹ con tôi ở nhà thuê, thường xuyên chuyển nhà theo từng việc làm ngắn hạn, bấp bênh của mẹ.

Tuổi thơ tôi đi qua với khắc khoải khôn nguôi về nguồn cội. Tôi đặt ra nhiều suy đoán: Có phải mẹ chửa hoang tôi nên nhà ngoại tức giận từ mặt? Có phải vì không môn đăng hộ đối mà bên nội không nhìn nhận mẹ là dâu? Có phải ba phụ bạc nên mẹ hận, đem tôi đi biệt không về?...

Càng lớn, ám ảnh ấy càng dày vò mãnh liệt, nỗi day dứt cắn xé khiến tôi đau khổ và uất ức. Tâm trạng bất mãn, tôi chán nản học hành sa sút thảm hại.

Nhiều lúc, tôi chỉ muốn tung hê tất cả, chỉ muốn nổi loạn mới… hả lòng. May còn có những giọt nước mắt của mẹ giữ tôi lại. Mẹ không trách mắng cũng không than thở, chỉ lặng lẽ khóc. Rồi mẹ ôm tôi thật chặt, hôn tôi và nghẹn ngào:

-Con đáng thương của mẹ! Con chỉ cần biết mẹ yêu con… Mẹ thương con nhiều lắm…


2.


Tôi ôm chặt con bé trong tay, vừa hôn nó vừa nghẹn ngào những lời gan ruột: “Con đáng thương của mẹ, con chỉ cần biết mẹ yêu con… Mẹ thương con nhiều lắm…”. Đúng thế, tôi không sinh ra nó -tôi không sinh một đứa con nào cả- nhưng nó chính là gan ruột của tôi, là tất cả cuộc đời tôi.

Tôi là chị cả của bảy đứa em, cách nhau chỉ một hoặc hai tuổi. Nên mới có chuyện buồn cười là có đến bốn đứa cùng tên Út: Út Anh, Út Chị, Út Em và Út Chót!

Cha mẹ tôi ngày ngày đầu tắt mặt tối vất vả nuôi bầy con đông đúc. Nhà nghèo nên đương nhiên đứa con gái lớn nhất trong nhà cũng thiệt thòi nhất. Gánh nước, giặt giũ, nấu cơm, chăm em… việc nào cũng vào tay tôi. Có lẽ vì thế mà tôi gầy nhom, lại… học dốt. Học dốt có lý do: mỗi lần nhà xuất hiện thêm thành viên mới là mẹ cho tôi nghỉ học ở nhà để bồng em lớn và giặt tã cho em nhỏ. Tôi thường xuyên lếch thếch quắp một đứa em bên nách. Để giữ nó ngồi thẳng, tôi phải vẹo nghiêng người như bị bẻ cong xương sườn!

Khi nào đứa em bé nhất nhà ấy chập chững biết đi thì coi như tôi “xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ”. Tôi được mẹ cho đi học lại, dĩ nhiên ở lớp cũ: cái lớp tôi đang học dở dang khi mẹ chuẩn bị sinh.

Tôi “sợ” con nít từ đấy. Sau này, mắc bệnh quai bị biến chứng hư cả hai buồng trứng, bác sĩ bảo tôi không thể sinh con, thì tôi “sợ” luôn… lấy chồng!

Vì vậy, khi số phận cho tôi tình cờ cứu sống con bé, cả nhà hết sức ủng hộ tôi nhận nó làm con nuôi. Lúc đó, lúc mà tôi phát hiện, con bé còn nguyên sợi dây rốn trên bụng, yếu đến khóc không ra hơi, bầy kiến đen để lại khắp người nó những vùng da sứt mẻ. Đau đớn và kinh hoàng hơn, có cả lũ dòi lúc nhúc trong lỗ mũi nó.

Ai chứng kiến cũng đinh ninh rồi đứa bé sẽ chết. Ấy thế mà nó sống! Thật kỳ tích! Kỳ tích của các bác sĩ và của chính nó!

Như tất cả đứa trẻ khác, con bé hay hỏi tôi về ba nó. Tôi không biết nói sao. Ánh mắt nó trong veo hết sức hồn nhiên ngước nhìn thẳng mặt tôi, háo hức và đầy tin tưởng, khiến tôi đau lòng chẳng kém lần đầu gặp nó. Tôi lại nhớ hình ảnh sợi dây rốn lòng thòng, nhớ bầy kiến đen cắn da thịt nó sứt sẹo, nhớ nhất lũ dòi thậm thụt bò ra từ hai lỗ mũi bé xíu xiu…

Làm sao tôi dám nói ra sự thật? Cái sự thật đã gây ấn tượng khủng khiếp cho người trưởng thành như tôi thì làm sao một đứa bé chịu đựng nổi? Khác nào nó bị giết một lần nữa -từ chính người ngày trước đã cúi xuống nhặt nó lên và cho nó một cuộc sống bình thường…

Tôi không ngờ rằng, con bé còn cần một thứ khác hơn cuộc sống bình thường tôi cho nó. Thứ đó hẳn thiêng liêng lắm nên luôn ám ảnh, hành hạ nó khổ sở.

Tôi yêu con bé, như chính tôi đã rứt ruột sinh ra nó. Có người mẹ nào muốn đánh mất con mình? Tôi cũng thế! Nên tôi tìm cách vớt vát lại những gì tôi có thể…


3.


Sinh nhật thứ mười tám là một ngày tôi sẽ ghi nhớ suốt đời. Ngày đầu tiên mẹ dẫn tôi đến với ba. Ngày đầu tiên tôi nhìn thấy chân dung và biết được tên ba. Cũng là ngày đầu tiên trái tim tôi được giải thoát khỏi vòng kẽm gai vô hình thắt siết lại dai dẳng bao năm nay.

Tôi xúc động đến ngộp thở. Tôi vui đến muốn hét toáng lên, muốn nhảy cẫng mà ca hát và reo hò. Tôi làm mẹ cũng bất ngờ đến sững sờ, rồi cảm động rưng rưng lệ.

Trong lúc mẹ lúi húi bày trái cây, hoa tươi và đốt nhang rì rầm khấn vái thì tôi bồi hồi ngắm nghía mộ ba. Mộ xây đã lâu, cũ kỹ, rêu phong, cỏ hoang mọc lấn che lấp phần dưới tấm bia đá. Trên đó, dù ảnh chân dung đã mờ, tôi vẫn nhận ra một khuôn mặt hiền từ và nụ cười đầy bao dung. Hóa ra ba mẹ cùng họ, một cái họ khá hiếm hoi. Điều đó làm tôi cảm động và sung sướng. Thì ra tôi mang họ ba đấy chứ!

Bia mộ chỉ ghi năm sinh năm mất chứ không có ngày tháng. Nhưng tôi cần gì phải hỏi nữa? Mẹ đã nói ba qua đời hai tháng trước khi tôi sinh ra rồi mà! Tôi ngồi xuống, đặt tay vào bia mộ, cảm nhận đang đặt lên trái tim ba. Rồi tôi đưa mắt nhìn quanh, muốn chia sẻ hạnh phúc với từng bụi cỏ khóm cây và trập trùng nấm đất thấp cao.

Nghĩa trang buổi trưa ngập nắng, vắng vẻ. Từ phía cổng, chỉ có một người đàn bà đầu đội nón lá, tay xách giỏ, đang chầm chậm len lỏi dọc ngang qua những hàng mộ.

Mẹ vẫn lầm rầm van vái điều gì đó, chưa xong. Nhưng giờ tôi đã đủ để mãn nguyện, không cần phải gặn hỏi thêm nữa, dù tôi vẫn thắc mắc: Vì sao mẹ phải giấu kín một chuyện -mà lẽ ra chẳng có gì cần giấu- lâu đến thế? Và vì sao mộ ba nằm nơi heo hút, xa xôi này?

-Ba thân yêu ạ, dù xa xôi thì con sẽ luôn đến thăm ba.

Tôi thầm hứa, bàn tay không ngừng vuốt ve khuôn mặt hiền từ trên bia mộ.


4.


Từ cổng nghĩa trang đi vào, tôi đã thấy có hai người cắm cúi bên mộ chồng tôi. Lúc tôi đến gần bên, họ cũng không biết để quay lại.

Nhìn tuổi tác, tôi đoán là hai mẹ con. Từ nãy đến giờ, người mẹ vẫn cúi thấp đầu, chắp hai tay, môi mấp máy, rất thành kính. Đứa con gái ngồi bên tấm bia mộ, hết vuốt ve di ảnh lại đưa ngón tay trỏ lần theo từng chữ khắc nổi trên đó, một cách trân trọng và yêu thương.

Tôi không biết hai người này. Tôi chưa gặp bao giờ. Nhưng tôi thấy mình không nên -và không nỡ- phá vỡ giây phút thiêng liêng của họ.

Tôi lùi lại mấy bước, lẳng lặng rút trong giỏ ra bó nhang đốt lên rồi lần lượt rảo qua từng ngôi mộ chung quanh, cắm cho suốt lượt. Một cách tôi “chào hỏi” các “hàng xóm” của chồng mình.

Hầu như người nào đến nghĩa trang viếng mộ thân nhân cũng làm như thế, nên hai mẹ con kia không ngạc nhiên cũng không chú ý lúc tôi đến cạnh họ, cắm ba cây nhang trước bia mộ.

Loáng thoáng, tôi nghe họ trao đổi khe khẽ:

-Chủ nhật sau mình lại đến đây thăm ba, mẹ nhé?

-Không. Con phải dành thời gian học. Sắp thi rồi.

-Thì con vẫn học bình thường mà.

-Đường xa vất vả, mẹ lo con mệt sẽ ốm mất.

-Con không mệt. Đến với ba, con vui còn khỏe ra nữa.

Người mẹ thở dài, vẻ ngán ngẩm:

-Con lúc nào cũng bướng bỉnh. Đấy là lý do mẹ không muốn cho con biết về ba.

Rồi cả hai cùng im lặng. Tôi đoán cô bé đang phụng phịu hờn dỗi.

Chỉ cần nghe chừng đó tôi cũng đủ hiểu: hai mẹ con kia tự nhận là vợ và con của chồng tôi! Tôi đăm đăm nhìn cô bé. Ngực trái chiếc áo trắng của nó gắn phù hiệu lớp 12. Mà ngay cả không có phù hiệu đi nữa, tôi cũng biết tuổi nó không thể nhiều hơn con số 18, trùng với số năm chồng tôi rời bỏ trần gian.

Bỗng nhiên, tôi nhói lòng, trái tim như lỗi nhịp.

Chuyển ánh mắt sang di ảnh trên bia mộ, tôi thầm thì:

-Thì ra có chuyện này đây! Thảo nào liên tiếp cả tuần nay, đêm nào tôi cũng mơ thấy ông. Ông biết đấy, hai năm nay tôi yếu lắm rồi nhưng sốt ruột quá phải ráng đến đây. Tôi cứ lo mộ ông bị hư hại gì… “Sống khôn thác thiêng”, người ta vẫn bảo thế. Ông sống nhân hậu thì chết hiển linh, tôi tin vậy. Bao năm về trước có vấn đề gì, ông đều hỏi ý kiến tôi. Tôi vui vẻ bằng lòng thì ông mới chấp thuận. Có phải không? Vì vậy mà mẹ ông thường đay nghiến ông nhu nhược, còn bạn bè cười ông sợ vợ. Chỉ riêng tôi biết không phải thế. Ông không sợ chỉ yêu thôi. Vì yêu mà chiều. Vì yêu mà tôn trọng. Yêu nên không để vợ buồn. Yêu nên không làm chuyện gì khuất tất… Ôi, chỉ nhớ thế thôi đã đủ cho tôi rưng rưng rồi…

Nước mắt tôi hoen ướt mi. Trong di ảnh, chồng tôi cười tươi hơn bao giờ hết. Hình như ông ấy vừa ranh mãnh nháy mắt với tôi. Nửa trêu chọc, nửa khoái trá. Dĩ nhiên tôi hiểu hàm ý cái nháy mắt tinh nghịch ấy. Tôi suýt phì cười, may mà kịp giữ lại. Tôi dằn dỗi:

-Này ông, đừng chọc tôi phải cười chứ! Hàng tiền đạo của tôi rụng sạch rồi, đâu được như ông mãi mãi vẹn nguyên hai hàng hạt bắp?

Đứa con gái đột ngột hỏi:

-Mẹ này, mẹ thấy con có giống ba không?

Bà mẹ có lẽ đang chăm chú nhổ túm cỏ dưới chân bia đá, không nghe con hỏi nên không trả lời.

Tôi buột miệng:

-Giống chứ! Giống lắm, cháu ạ!

Con bé ngước nhìn tôi, vẻ hàm ân. Ánh mắt nó vừa sung sướng vừa tự hào.

Tôi lại nhìn ảnh chồng, thầm nhủ:

-Lần này ông vẫn để tùy tôi quyết định, phải không? Thì tôi vừa quyết rồi đấy!

Cho đến lúc ba người rời nghĩa trang ra về, tôi vẫn chưa hỏi han người đàn bà ấy câu nào. Tôi nghĩ không cần thiết. “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, đôi mắt hai mẹ con kia đã bảo chứng với tôi họ là người lương thiện. Tôi chỉ cần thế là đủ.

Tôi tin: dù chỉ là chút sai sót gây nhầm lẫn hoặc vì sự trùng hợp tình cờ hay với bất cứ lý do nào khác, thì hành động của người mẹ kia cũng phát xuất từ lòng nhân ái.

Tôi sẽ giữ kín điều bí mật của bà ấy, như giữ điều bí mật về người đàn ông của tôi: trước khi qua đời sáu năm, một tai nạn nghiêm trọng khiến ông ấy không thể phục hồi khả năng làm chồng.



.Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn .